Dữ liệu y khoa

Đau lưng do khuyết eo đốt sống ở người trẻ

  • Tác giả : TS.BS Nguyễn Hoàng Long
(khoahocdoisong.vn) - Trượt đốt sống do khuyết eo là nguyên nhân chính gây đau lưng ở người trẻ. Khoảng 3 - 7% dân số bị bệnh lý trượt đốt sống mà nhiều khi không có triệu chứng lâm sàng và thường là tình cờ phát hiện bệnh.

Khuyết eo đốt sống là tình trạng thiếu hụt một phần của xương đốt sống gọi là eo (một đoạn xương nhỏ nối các diện khớp phía sau của cột sống). Phần eo thiếu hụt có thể bị ở một bên của cột sống hoặc cả hai bên. Hay bị nhất thường là tầng L5-S1, ít gặp hơn là tầng L4-L5 và hiếm gặp ở các tầng phía trên.

Khuyết eo đốt sống là nguyên nhân hay gặp nhất trong bệnh lý trượt đốt sống (một thân đốt sống trượt ra trước so với đốt sống liền kề). Trượt đốt sống do khuyết eo là nguyên nhân chính gây đau lưng ở người trẻ. Tuy nhiên, hầu hết những người trẻ tuổi bị trượt đốt sống thì không có triệu chứng lâm sàng và thường là tình cờ phát hiện bệnh. Những trường hợp có triệu chứng thần kinh hoặc liệt ít xảy ra.

Nguyên nhân chính của khuyết eo vẫn chưa được xác định chính xác. Hiện tại chưa có ghi nhận trường hợp nào khuyết eo đốt sống ở trẻ mới đẻ và điều đó cho thấy nó không có tính di truyền. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân hoặc nguy cơ gây khuyết eo là do chấn thương lặp đi lặp lại (hiện tượng gãy mỏi). Khoảng 3 - 7% dân số bị bệnh lý này. Khuyết eo đốt sống thường hay gặp ở những vận động viên trong các môn thể thao hay đòi hỏi động tác ưỡn của vùng thắt lưng như thể dục dụng cụ, ném tạ, lặn, cử tạ…

Bất cứ khi nào ở một người trẻ (đặc biệt là vận động viên trẻ từ 10 - 15 tuổi) từng bị đau thắt lưng thấp và có tiền sử chấn thương, cần phải nghĩ đến khuyết eo đốt sống. Bác sĩ sẽ khám và đánh giá bằng các nghiệm pháp kiểm tra để tạo lại cảm giác đau của bệnh nhân (nghiệm pháp Michelis). Khi nghi ngờ khuyết eo để chẩn đoán xác định người bệnh cần chụp phim X-quang thẳng, phía bên và phim chếch. Cuối cùng, để chẩn đoán khuyết eo thể hoạt động hay không hoạt động thì phim chụp xạ hình xương hoặc MRI là cần thiết.

Những nghiên cứu cho thấy mức độ liền xương là 37% đối với phương pháp điều trị bảo tồn sau 2 - 6 tháng dùng đai cột sống.

Điều trị cho thể hoạt động: Chương trình điều trị khuyến cáo thường là kết hợp: Đai bất động cột sống trong thời gian ngắn (ví dụ như 4 tháng) có tác dụng làm liền xương vùng eo đốt sống; Thuốc giảm đau nếu cần thiết; Các bài tập có sự kiểm soát của bác sĩ phục hồi chức năng. Một số ít trường hợp, khuyết eo không liền hoặc có thể gây chèn ép thần kinh có thể đòi hỏi phẫu thuật cố định bên trong để làm vững cột sống.

Điều trị thể không hoạt động: Đai nẹp cột sống thường không cần thiết, các phương pháp điều trị bảo tồn như vật lý trị liệu, bài tập cột sống, chế độ sinh hoạt và thể thao hợp lý. Tuy nhiên, thể không hoạt động này là tình trạng bệnh lý mạn tính.

TS.BS Nguyễn Hoàng Long (Phó trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

TS.BS Nguyễn Hoàng Long

BẢN DESKTOP