Dữ liệu y khoa

Đau lưng do bệnh trong ổ bụng

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Hầu hết nguyên nhân đau lưng xuất phát từ cột sống, tuy nhiên có những nguyên nhân xuất phát từ các tạng ở trong ổ bụng. Cần lưu ý để tránh bỏ sót tổn thương cũng như điều trị nhầm bệnh.

Sỏi thận – sỏi niệu quản: Đặc điểm của cơn đau sỏi thận - niệu quản là đau lệch một bên cột sống, đau cơn kèm buồn nôn, vã mồ hôi, lăn lộn hoặc đau tức âm ỉ tăng dần, có thể kèm theo tiểu máu. Phát hiện qua siêu âm hệ thận tiết niệu kèm chụp X-quang hệ tiết niệu thường quy hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) ổ bụng - hệ tiết niệu.

Nhiễm khuẩn thận – hệ tiết niệu: Thận cũng dễ bị nhiễm virus và vi khuẩn. Những nhiễm trùng này thường do vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo từ đường ruột và ngược dòng đi lên bàng quang - thận, hoặc từ dòng nước tiểu bị tắc do sỏi thận, khối u hoặc các vấn đề đường tiết niệu khác. Nhiễm trùng thận có thể gây viêm và đau tức ở hai bên lưng, tùy thuộc vào thận nào bị nhiễm trùng. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, cơ thể nhiễm trùng, tiểu đục, tiểu buốt. Siêu âm kèm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu cho ta chẩn đoán xác định bệnh.

U sau phúc mạc: Là những khối u bất thường xuất hiện giữa khoang ổ bụng và cột sống lưng (sau phúc mạc), chính vì vậy những tổn thương này thường gây đau lưng sớm hơn hoặc kèm theo đau bụng. U sau phúc mạc có thể bắt nguồn từ bào thai, có thể là u thần kinh nội tiết, u lympho bạch huyết, u tế bào mầm, hoặc cả những khối ung thư di căn. Ngoài đau lưng, tuỳ vị trí và tính chất khối u, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng kèm theo tương ứng. Siêu âm kết hợp chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, sinh thiết giúp chẩn đoán bệnh.

U xơ tử cung: Là khối u đặc và thường lành tính, phát triển trên thành tử cung. Trong khi một số bệnh nhân bị u xơ không gặp bất kỳ triệu chứng nào, những người khác có thể bị đau lưng dưới, kinh nguyệt bất thường, rong kinh rong huyết hoặc đi tiểu thường xuyên. Siêu âm ổ bụng thường đánh giá được tổn thương này.

Lạc nội mạc tử cung: Bệnh xảy ra khi nội mạc tử cung, mô tế bào tử cung phát triển bên ngoài tử cung, phổ biến nhất là ở trong buồng trứng và ống dẫn trứng. Bệnh lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến đau lưng thấp, không thường xuyên nhưng dữ dội và vật vã. Siêu âm và khám sản phụ khoa thường chẩn đoán được căn bệnh này.

Viêm loét đại tràng:  Là một tổn thương mạn tính dẫn đến tình trạng viêm và loét chủ yếu ở đại tràng. Các triệu chứng của viêm loét đại tràng bao gồm đau lưng và đau bụng, có thể được cảm nhận ở một hoặc cả hai bên của cơ thể, kèm tiêu chảy, đau trực tràng và gầy sút cân. Nội soi toàn bộ đường tiêu hoá định kỳ để phát hiện sớm bệnh.

Viêm ruột thừa: Ruột thừa nằm ở phía dưới bên phải của bụng, đau do viêm ruột thừa thường cảm thấy ở phía bên phải của bụng và lưng thấp. Các triệu chứng viêm ruột thừa kèm theo bao gồm sốt, cơ thể nhiễm trùng, hơi thở hôi, ấn vào vùng hố chậu bên phải đau tăng. Siêu âm và xét nghiệm máu thường cho chẩn đoán xác định. Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa, khi đã chẩn đoán xác định cần được mổ cấp cứu ngay, tránh ruột thừa vỡ gây nhiễm trùng khắp ổ bụng, sốc nhiễm trùng, tử vong.

Viêm tụy: Đau lưng dưới có thể là triệu chứng của viêm tụy. Viêm tụy có thể cấp tính hoặc mạn tính và có thể gây đau bụng trên lan rộng đến lưng dưới, cũng như sốt, buồn nôn và ói mửa. Đây là một trong những bệnh lý tiêu hoá phức tạp, tiên lượng nặng. Siêu âm ổ bụng, xét nghiệm men tuỵ và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng giúp chẩn đoán và tiên lượng bệnh.

ThS Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP