Y học và đời sống

Dấu hiệu trên da cảnh báo gan nhiễm mỡ, cần đi khám ngay

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Gan nhiễm mỡ nên chữa trị sớm. Tình trạng gan nhiễm mỡ ở thời kỳ đầu có thể được điều chỉnh thông qua thay đổi phương thức sinh hoạt, điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập sức khỏe hợp lý sẽ khôi phục lại bình thường.

Gan đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể. Nó giúp xử lý chất dinh dưỡng từ thực phẩm, sản xuất mật để hỗ trợ tiêu hóa, lọc chất độc trong máu, điều chỉnh đường huyết và lưu trữ vitamin, khoáng chất. Lượng mỡ tích tụ trong gan tăng lên dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ.

Ở những người bình thường, lượng mỡ trong gan rất thấp, chỉ chiếm từ 2 - 4% trọng lượng của gan. Gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ khi lượng mỡ trong gan chiếm 5 - 10%, nếu 10 - 25% là nhiễm mỡ mức độ vừa và nếu vượt quá 30% là nhiễm mỡ nặng. Khi đó, chức năng gan sẽ bị ảnh hưởng mặc dù gan có thể tự hồi phục bằng cách tạo ra các tế bào mới, thay thế cho các tế bào cũ bị tổn thương nhưng nếu các tác nhân có hại liên tục có mặt ở gan thì tổ chức xơ sẽ hình thành và gây nên bệnh xơ gan.

Dấu hiệu trên da cảnh báo gan nhiễm mỡ, cần đi khám ngay. Ảnh minh họa

Dấu hiệu trên da cảnh báo gan nhiễm mỡ, cần đi khám ngay. Ảnh minh họa

Trung tâm Y khoa Đại học Rochester (Mỹ) cho biết, đôi khi phải mất vài năm, bệnh mới bộc lộ các triệu chứng. Khi đó, trên da của bệnh nhân có thể xuất hiện một số dấu hiệu như vàng da, mạch máu hình mạng nhện nổi lên, mẩn ngứa kéo dài.

Dưới đây là một số dấu hiệu trên da cảnh báo gan nhiễm mỡ, cần đi khám ngay:

Khô da

Mất nước và suy giảm chức năng gan đều góp phần gây khô da. Gan nhiễm mỡ làm giảm khả năng sản xuất một số protein, lipid cần thiết cho sức khỏe của da, dẫn đến khô kèm theo bong tróc.

Mụn thịt dư

Mụn thịt này thường là những khối u nhỏ, mềm, có bề mặt trơn láng, lành tính. Chúng thường hình thành ở vị trí da tiếp xúc nhiều với ánh nắng như mặt, cổ hoặc vùng cọ xát da nhiều như nách, bẹn. Tình trạng kháng insulin thường gặp ở người bệnh gan nhiễm mỡ, làm phát triển các khối u này.

Vàng da, mắt

Da, mắt chuyển sang màu vàng do bệnh vàng da, xảy ra khi chất bilirubin tích tụ quá mức trong máu. Ở người bệnh gan nhiễm mỡ, chức năng gan bị suy giảm làm cản trở sự phân hủy của bilirubin, góp phần gây vàng da.

Ngứa ngáy hay dị ứng

Dấu hiệu gan nhiễm mỡ dễ nhận thấy nhất là bạn bị ngứa hoặc nổi mề đay trên da. Nguyên nhân của tình trạng này là do lượng muối mật trong cơ thể bị dư thừa, tích tụ trong cơ thể. Khi ngứa ngáy hoặc dị ứng, việc cố gắng gãi không làm giảm ngứa mà còn khiến tình trạng này trầm trọng hơn.

Trứng cá đỏ

Trứng cá đỏ (còn gọi là rosacea) là bệnh da mạn tính, triệu chứng đặc trưng là những vết sưng nhỏ, đỏ, đầy mủ trên da xuất hiện khi bùng phát. Đây cũng có thể là triệu chứng của gan nhiễm mỡ. Các triệu chứng khác nhau tùy theo màu da, thường rõ ràng hơn ở làn da sáng nhưng khó nhìn thấy ở người da sẫm màu. Thông thường bệnh chỉ ảnh hưởng đến da mặt, mũi, má, trán.

Lòng bàn tay đỏ ửng

Lòng bàn tay đỏ lên có thể do lưu lượng máu đến bề mặt da tăng lên. Trong các bệnh về gan như bệnh gan nhiễm mỡ, sự thay đổi tuần hoàn và nội tiết tố góp phần gây ban đỏ ở lòng bàn tay.

U vàng quanh mí mắt

Đây là tình trạng những mảng hoặc vết sưng màu vàng có thể phát triển trên da, xung quanh mí mắt. Nó cũng xảy ra ở người bị rối loạn chức năng gan, bao gồm cả bệnh gan nhiễm mỡ.

Phòng ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ

Hiện nay, các biện pháp điều trị gan nhiễm mỡ hướng đến việc giảm tiêu thụ chất béo, đồ uống có cồn và thay đổi lối sống. Từ đó ngăn chặn không cho bệnh tiến triển nặng, một số lời khuyên sức khỏe giúp phòng ngừa gan nhiễm mỡ bao gồm:

Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng. Thông thường, việc giảm khoảng 3 đến 5% cân nặng cơ thể, bạn đã cắt giảm một lượng lớn mỡ thừa tích tụ trong gan.

Hạn chế thói quen sử dụng rượu bia giúp bảo vệ sức khỏe lá gan nói riêng và cơ thể nói chung.

Tích cực tham gia hoạt động thể thao, ít nhất 30 phút/ngày hay 150 phút/tuần. Việc này giúp hạn chế mỡ thừa tích tụ, tăng cường chuyển hóa và sức bền cho cơ thể.

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh hơn, bắt đầu bằng việc loại bỏ đồ ăn chế biến sẵn hoặc thực phẩm nhiều dầu mỡ ra khỏi bữa ăn hàng ngày.

Một số đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao bị gan nhiễm mỡ, cần đến bệnh viện để thăm khám định kỳ 3 - 6 tháng, theo hướng dẫn của bác sĩ.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP