Y học và đời sống

Dấu hiệu nhận biết sốc nhiệt do nắng nóng

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Bị say nắng, sốc nhiệt không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu… mà say nắng say nóng còn có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Trong thời gian này, cả nước đang trải qua một đợt nắng nóng cao độ với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên trên 40 độ C. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề do nóng như cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng... trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt.

Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt (heat troke) là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp. Say nắng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.

Bị say nắng, sốc nhiệt không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu… mà say nắng say nóng còn có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Trước khi bị sốc nhiệt, người bệnh thường có dấu hiệu kiệt sức. Kiệt sức do nắng nóng ít nguy hiểm hơn và sẽ giảm nếu người bệnh được điều trị kịp thời. Nhưng nếu tình trạng kiệt sức do nhiệt diễn tiến thành say nóng, đó là trường hợp khẩn cấp và cần điều trị ngay.

Dấu hiệu nhận biết sốc nhiệt do nắng nóng. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết sốc nhiệt do nắng nóng. Ảnh minh họa

Dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị sốc nhiệt

Buồn nôn

Buồn nôn là một trong những biểu hiện vật lý phổ biến nhất của sốc nhiệt. Tuy không phải là dấu hiệu đặc trưng của sốc nhiệt nhưng hiện tượng này đi kèm mệt mỏi và đau nhức cơ có thể báo hiệu cơ thể bạn đang phải chịu đựng rối loạn thân nhiệt nghiêm trọng.

Khi hệ tuần hoàn bị đình trệ bởi nhiệt độ cao chính là nguyên nhân của hiện tượng này. Cần bổ sung các loại chất lỏng chứa thành phần muối có khả năng bù đắp lượng muối khoáng cơ thể bài tiết qua tuyến mồ hôi. Trang bị mũ chống nắng kết hợp bổ sung nước kịp thời sẽ giúp điều hòa thân nhiệt hiệu quả, giảm thiểu tình trạng quá nhiệt cho cơ thể.

Nhiệt độ cơ thể tăng cao

Sốc nhiệt là hiện tượng khi nhiệt độ tăng quá mức kiểm soát dẫn đến rối loạn cơ thể. Điều này thường được biểu hiện khá rõ ràng bởi thân nhiệt tăng cao. Thông thường, những người vận động với cường độ cao, thân nhiệt lớn nhất có thể rơi vào khoảng 38 độ. Nếu cao hơn ngưỡng này, nhiều khả năng cơ thể bạn chắc chắn đang gặp rắc rối.

Theo các chuyên gia y khoa tại Viện nghiên cứu Redlex (Anh), khi nhiệt độ tăng cao, da bạn sẽ chuyển dần sang đỏ đồng thời nhịp tim tăng mạnh. Hiện tượng này báo hiệu cơ thể đang cố hết sức để điều hòa lại thân nhiệt. Khi mọi chuyện vượt quá khả năng xử lý, những hiện tượng nghiêm trọng hơn bắt đầu xảy ra như choáng váng, nhức đầu thậm chí là bất tỉnh và ngất. Chú ý tới những dấu hiệu ban đầu sẽ giúp bạn tránh được hệ quả nghiêm trọng sau này.

Các cơ quan trong cơ thể suy giảm hoạt động

Nhiệt độ tỉ lệ nghịch với hiệu suất hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bạn. Tiến sĩ kiêm nhà nghiên cứu người Đức Kamiatry Volder cho hay, thận, gan, tim là những cơ quan dễ bị ảnh hưởng nhất. Trong khi rối loạn nhịp tim là dấu hiệu cho thấy tim không hoạt động hiệu quả thì nước tiểu màu đỏ là hiện tượng dễ thấy và dễ phát hiện nhất khi thận của bạn “đình công”.

Các bước sơ cứu người bị sốc nhiệt

Việc sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân bị sốc nhiệt là rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị và di chứng sau này. Khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện như: Mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, nôn ói thì phải khẩn trương sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.

Trước tiên, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân tới khu vực có bóng mát, bỏ bớt quần áo và thực hiện các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân.

Thậm chí, có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, đặt túi chườm đá ở nách, bẹn giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt do nắng nóng.

Không dùng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân trong trường hợp này vì thuốc hạ sốt không có giá trị khi bị sốc nhiệt.

Gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân xuống còn 38,5 hay 39 độ C và chuyển đến cơ sở y tế nhanh nhất.

Khi gặp bệnh nhân bị sốc nhiệt hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, cần phải cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Cấp cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Biện pháp phòng chống sốc nhiệt

Luôn che chắn khi ra ngoài trời

Mặc áo chống nắng: Áo khoác chống nắng thường được thiết kế với chất liệu có thể ngăn ngừa cả tia UV và làm giảm hấp thụ nhiệt, rất thích hợp để bảo vệ sức khỏe khỏi ánh nắng gay gắt, nhất là vào những ngày hè. Hiện nay ngày càng có nhiều loại áo chống nắng tốt, mẫu mã không chỉ cho phụ nữ mà còn cho cả trẻ em, người lớn và các đấng mày râu để bảo vệ sức khỏe và cả làn da.

Khăn che: Che đầu và khuôn mặt trong khi đi du lịch.

Che ô/dù: Nếu đi bộ để bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời.

Đội mũ khi ra trời nắng: Không chỉ che chắn phần đầu, mà phần gáy cũng cần được bảo vệ khỏi nắng nóng vì đây là phần da vô cùng nhạy cảm.

Che chắn phần gáy (sau cổ): Trung khu điều nhiệt của cơ thể nằm ở vùng gáy. Ánh nắng chiếu thẳng vào gáy có thể làm trung khu tê liệt và mất khả năng điều khiển thân nhiệt. Do đó, che kín gáy bằng cách đội mũ rộng vành, mặc áo có cổ cao, hoặc sử dụng khăn che mặt rộng có thể vòng ra sau che phủ phần gáy khi đi ra ngoài trời nắng nóng là điều rất cần thiết..

Đối với người lao động: Để phòng tránh sốc nhiệt, người lao động cần mặc áo chống nắng, kính bảo hộ khi làm việc ngoài trời.

Thời gian tiếp xúc với nắng nóng: Bố trí thời gian làm việc ngoài trời và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc môi trường nhiệt độ cao quá lâu.

Duy trì độ ẩm cơ thể

Uống đủ nước, tránh mất nước và muối khi phải làm việc hoặc đi ngoài trời nắng nóng. Cơ thể thường mất nhiều nước và điện giải do nhiệt vào mùa hè. Để sẵn một ít muối, đường và nước bên cạnh và bổ sung chúng bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Điều này sẽ giúp duy trì cân bằng nước và điện giải suốt ngày.

Tránh uống rượu và cafein

Rượu và cafein đều làm cơ thể bị mất nước khiến cơ thể dễ bị kiệt sức do nhiệt.

Ăn nhẹ

Ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa. Tránh đồ ăn vặt, thay vào đó là các bữa nhẹ hoa quả và salad giúp dễ tiêu, cung cấp năng lượng và có tính mát. Cần hạn chế một số gia vị hoặc đồ ăn có tính cay, nóng vì có thế làm cơ thể nóng hơn, khó chịu.

Tăng cường rèn luyện sức khỏe

Rèn luyện sức khỏe không chỉ khiến cơ thể dẻo dai, tràn đầy sức sống hơn, mà còn giúp tăng khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP