Béo phì là một khía cạnh của suy dinh dưỡng, hiện nay béo phì được xem là đại dịch trên thế giới, có thể gây tử vong 4 triệu ca mỗi năm. Tình trạng béo phì đã và đang là vấn đề nhức nhối ở các nước có thu nhập cao nhưng nay “lan sang” các nước có thu nhập trung bình và thấp, đặc biệt trẻ em thành thị thừa cân, béo phì gia tăng cao hơn 30%. Hiện nay tỷ lệ béo phì trên thế giới đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975.
Có nhiều nguyên nhân gây béo phì trong đó có việc ăn dưa thừa năng lượng và chất béo.
Ăn chất béo bao nhiêu là đủ?
Chất béo cùng với carbohydrate (carb), protein là ba chất dinh dưỡng đa lượng mà cơ thể cần để hoạt động. Nó có vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng, chức năng tế bào, sản xuất hormone và điều chỉnh nhiệt độ. Chất béo cũng hấp thụ một số chất dinh dưỡng nhất định, bao gồm các vitamin A, D, E và K.
Hầu hết mọi người cần khoảng 20-35% lượng calo từ chất béo. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị hạn chế tiêu thụ chất béo chuyển hóa dưới 1% tổng lượng calo nạp vào mỗi ngày.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, lượng chất béo bão hòa từ chế độ ăn uống không vượt quá 10% lượng calo hàng ngày (5-6% với người có mức cholesterol cao). Những dấu hiệu dưới đây cảnh báo ăn quá nhiều chất béo.
Thực phẩm chứa nhiều chất béo - Ảnh minh họa |
Dấu hiệu dư thừa chất béo
Chướng bụng, đầy hơi: Cơ thể khó phân hủy chất béo, khiến chúng lên men lâu hơn trong dạ dày. Kết quả là gây ợ hơi, đầy hơi, chướng bụng.
Một số thực phẩm giàu chất béo cũng có nhiều chất xơ, có thể tạo áp lực lên hệ tiêu hóa, nhất là khi ăn nhiều. Ví dụ, một quả bơ cung cấp khoảng 14 g chất xơ, gần bằng một nửa lượng khuyến nghị hàng ngày, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Đây là lý do ăn quá nhiều bơ có thể gây khó chịu ở hệ tiêu hóa.
Tiêu chảy: Người ăn quá nhiều chất béo có nguy cơ đi ngoài phân lỏng. Khi thức ăn giàu chất béo không được hấp thụ đúng cách, ruột già có thể sản sinh ra chất lỏng dư thừa, dẫn đến tiêu chảy. Phân lỏng đôi khi không chỉ do chế độ ăn nhiều chất béo mà còn là thiếu chất xơ. Chất xơ trong rau, quả và ngũ cốc nguyên hạt giúp nhu động ruột đều đặn, duy trì chức năng bình thường, nhuận tràng.
Uể oải: Dù cơ thể đốt cháy chất béo để cung cấp năng lượng nhưng chế độ ăn nhiều chất này dễ tạo cảm giác uể oải. Chất béo bão hòa và chuyển hóa đều có thể gây viêm, mệt mỏi nhiều hơn và nhiều triệu chứng khác.
Tăng cân
Dư thừa calo, tức tiêu thụ nhiều hơn lượng đốt cháy, dẫn đến tăng cân, bất kể ăn nhiều chất béo, protein hay carb. Vì chất béo chứa lượng calo cao hơn nên chúng dễ gây dư thừa năng lượng hơn so với protein hoặc carb. Cả carb và protein đều chứa 4 calo trên mỗi gam, còn chất béo là 9 calo.
Cholesterol tăng: Chất béo bão hòa có trong bơ, phô mai, thịt chế biến có xu hướng tăng chỉ số cholesterol xấu LDL. Người bị mỡ máu cao nên thay đổi chế độ ăn uống để cắt giảm lượng chất béo không tốt.
Hơi thở có mùi hôi
Người duy trì chế độ ăn nhiều chất béo đồng thời giảm lượng carb nạp vào có xu hướng nặng mùi hơi thở. Khi không có đủ carb, cơ thể chuyển sang sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng chính. Quá trình này sản sinh ra sản phẩm phụ là ceton, dẫn đến mùi hôi miệng. Đánh răng nhiều lần mỗi ngày giúp bớt mùi.
Ngủ không ngon giấc
Chất béo cần nhiều thời gian để tiêu hóa hết. Khi ngủ, cơ thể tiêu hóa chậm lại một cách tự nhiên. Do đó, người ăn quá nhiều chất béo khó chìm vào giấc ngủ.
Chất béo có trong hầu hết các loại thực phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày. Trong đó, chất béo có nhiều nhất trong: Sản phẩm từ động vật: thịt, phô mai, kem, bơ, sữa và trứng. Sản phẩm từ thực vật: dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu cọ, hạt chia, hạt lanh, quả bơ, hạt dẻ và hạt hướng dương.
ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường ĐH Y dược, Đại học Quốc gia)