Đau gót chân là một than phiền thường gặp và có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra.
Tôi đã ngoài 60 nhưng vẫn khỏe mạnh, chỉ có vấn đề là đau ở gót chân khiến vận động thể dục khó khăn. Xin cho biết lý do gây ra tình trạng này và cách thức chữa trị.
Lâm Hữu Kiên (An Giang)
Theo BS.CK2 Đặng Minh Trí, SKĐS: Đau gót chân là một than phiền thường gặp và có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Dù triệu chứng này ít khi gây nguy hiểm nhưng gây khó khăn trong sinh hoạt và cản trở các hoạt động thể thao. Viêm cân cơ bàn chân là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau gót chân. Cân cơ bàn chân là một dãy mô liên kết nối xương gót với ngón chân, nó có thể bị viêm. Gót chân bị đau nhiều nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy.
Điều trị cho viêm cân cơ bàn chân gồm: nghỉ ngơi, căng cơ gót và bàn chân, dùng thuốc giảm đau thông thường.
Gai gót chân cũng là một nguyên nhân khác hay gặp của đau gót chân, trường hợp này là sự phát triển bất thường của xương ở mặt dưới của xương gót chân gây ra dáng đi bất thường do đau, khi mang giày dép sẽ đau, khó đi lại. Gai xương có thể gây đau lúc đi bộ hoặc đứng lâu.
Mặc dù có đến 1/10 số người bị gai xương gót nhưng chỉ có một trong hai mươi người bị gai sẽ có triệu chứng đau gót chân. Gai gót chân cũng có thể xảy ra ở người bị viêm cân cơ bàn chân nhưng nó không gây ra viêm cân cơ.
Những người có bàn chân phẳng thường bị đau bàn chân do gai. Điều trị gai gót chân gồm: dán gót bàn chân, mang giày dép phù hợp, thuốc giảm đau thông thường, nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, phẫu thuật (hiếm khi áp dụng).
Chấn thương ở xương gây rạn xương, gây ra do một lực tác động mạnh lên gót chân hoặc lòng bàn chân phía trước, thường do bước lên một vật cứng hoặc do té ngã từ trên cao xuống. Triệu chứng đau dai dẳng khi đi chân trần trên sỏi.
Trong trường hợp này cần phải nghỉ ngơi tránh sức nặng lên bàn chân (thường mang nạng), dán gót bàn chân cố định, nẹp để bảo vệ xương gót, thuốc giảm đau, vật lý trị liệu, phẫu thuật khi cần thiết.
Mai Nguyễn (tổng hợp)