Dữ liệu y khoa

Đau gót chân có phải gai xương

  • Tác giả : Thúy Nga (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Đau bên dưới gót chân thường gặp nhất do các nguyên nhân. Gai xương gót là hậu quả của tình trạng viêm cân gan chân kéo dài dẫn đến mọc xương tân tạo tại vùng gót chân.

Hỏi: Gần đây, tôi bị đau gót chân rất nhiều, nhất là khi ngủ dậy? Tôi đi khám được kết luận gai xương gót. Xin hỏi, gai xương gót là gì? Biểu hiện của bệnh ra sao?

Lê Minh Hoàng (Hà Nội)

PGS.TS Trần Trung Dũng, Trường Đại học Y Hà Nội: Đau bên dưới gót chân thường gặp nhất do các nguyên nhân như viêm cân gan chân, gai xương gót, hội chứng đường hầm cổ chân, chấn thương vùng gan chân do đi lại…

Gai xương gót là hậu quả của tình trạng viêm cân gan chân kéo dài dẫn đến mọc xương tân tạo tại vùng gót chân. Gai xương gót thường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đau ở gót chân vì nhiều người đau gót mà không có gai xương, ngược lại nhiều người hiện tại có gai xương mà lại không đau gót.

Triệu chứng hay gặp là đau ở vùng mặt dưới gót chân, đau tăng lên khi thay đổi động tác từ nằm hay ngồi lâu sang động tác đứng, đặc biệt là đau nhiều vào buổi sáng khi mới ngủ dậy bước chân xuống giường, sau khi đi lại vận động một lúc thì triệu chứng đau sẽ giảm dần. Khi dùng lực đầu ngón tay ấn lên mặt dưới gót chân bệnh nhân rất đau.

Điều trị bao gồm các biện pháp nội khoa và ngoại khoa: Nội khoa như nghỉ ngơi, nẹp bất động bàn chân ở tư thế trung gian vào buổi tối, chườm túi đá vào vùng gót chân, tránh đi chân đất, tập các bài tập duỗi cơ cẳng chân như kéo các ngón chân về phía mặt trước cẳng chân nhiều lần vào buổi sáng; đi giầy dép có lót đế mềm, hoặc giầy dép chỉnh hình khi có bất thường xương bàn chân; dùng thuốc chống viêm giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Điều trị ngoại khoa bao gồm các biện pháp chỉnh sửa dị tật bàn chân hay cắt bỏ gai xương gót.

Thúy Nga (ghi)

BẢN DESKTOP