Dữ liệu y khoa

Đau do ung thư có thể kiểm soát được

  • Tác giả : BS Nguyễn Thị Hà
(khoahocdoisong.vn) - Đau do ung thư có thể kiểm soát được, việc kiểm soát này là một phần của chiến lược điều trị. Vì vậy, hãy trao đổi cởi mở, trung thực và rõ ràng với bác sĩ của mình về những cơn đau hay những triệu chứng mà mình đang gặp phải.

Với mỗi bệnh nhân sẽ có một kế hoạch giảm đau khác nhau và hiệu quả của mỗi phương pháp giảm đau với các bệnh nhân cũng khác nhau. Thay vì tự ý làm theo người bệnh bên cạnh, hãy lắng nghe và làm theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Những nguyên nhân gây đau 

Ung thư là tình trạng các tế bào bất thường không chết đi theo chu trình tự nhiên mà liên tục phát triển, sinh sản. Khi khối u kích thước lớn,  phát triển ra khỏi vị trí nguyên phát và xâm lấn sang các cơ quan lân cận hoặc có thể di căn xa theo đường máu và bạch huyết đến các cơ quan khác gây ra các triệu chứng trong đó có đau. Một số trường hợp thường gặp:

Chèn ép tủy sống: Khi khối u lan đến cột sống, nó có thể chèn ép hoặc xâm lấn vào tủy sống và các rễ thần kinh. Triệu chứng đầu tiên của chèn ép tủy sống thường là đau cột sống cổ, ngực hoặc cột sống thắt lưng cùng, sau đó có thể xuất hiện biểu hiện tê bì hoặc yếu liệt chi. Các cử động có thể làm cơn đau tăng lên, khi tủy sống bị chèn ép thì được coi là một trường hợp cấp cứu cần phải điều trị ngay để hạn chế việc yếu liệt và rối loạn cơ vòng hoặc những biến chứng trầm trọng khác.

Đau xương: Bao gồm các trường hợp ung thư xâm lấn đến xương hoặc di căn xương. Điều trị nhằm mục đích kiểm soát ung thư hoặc tập trung vào việc bảo vệ xương. Tuy nhiên mục đích chính vẫn thường là giảm đau.

Khối u tại chỗ:  Xâm lấn vào các cơ quan lân cận, đám rối thần kinh gây ra những triệu chứng đau. Việc điều trị ung thư đôi khi đồng thời cũng là điều trị các cơn đau.

Sinh thiết khối u, chọc dịch não tủy, sinh thiết tủy xương có thể gây đau. Khá nhiều bệnh nhân vì sợ đau mà từ chối hoặc trì hoãn xét nghiệm. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc kịp thời chẩn đoán hoặc điều trị bệnh.

Đau do phẫu thuật: Tùy từng loại phẫu thuật mà cơn đau có thể kéo dài một vài ngày đến một tuần. 

Hóa chất và xạ trị: Tùy từng vị trí xạ, phác đồ hóa chất, loại hóa chất mà có những tác dụng phụ khác nhau, như viêm da, niêm mạc, loét miệng, đau rát họng gây khó khăn khi ăn, uống, thậm chí cả nói chuyện. Mức độ đau do hóa chất và xạ trị từ nhẹ đến nặng, có những trường hợp làm bệnh nhân phải ngừng điều trị.

Nhiều phương pháp điều trị đau

Việc điều trị cơn đau là một phần công việc của bác sĩ, tuy nhiên nhiệm vụ quan trọng của bệnh nhân là lắng nghe cơ thể mình và trao đổi với bác sĩ những thông tin cần thiết. Đầu tiên hãy nói sớm và mô tả chính xác cơn đau: khi nào bắt đầu đau; đau ở đâu; cảm thấy cơn đau như thế nào, mức độ đau, cơn đau kéo dài bao lâu, có ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngay không, những yếu tố làm đau tăng hoặc tư thế nào giảm đau; các loại thuốc đang sử dụng để giảm đau và hiệu quả của các thuốc đó; các triệu chứng đi kèm theo cơn đau.

Việc đánh giá đau hoàn toàn dựa vào cảm nhận của bệnh nhân. Sau khi đánh giá nguyên nhân và mức độ đau, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Hiện tại có rất nhiều phương pháp điều trị đau cho bệnh nhân ung thư.

- Phẫu thuật: Được tiến hành khi khối u chèn ép vào các cơ quan gây đau, ví dụ như chèn ép tủy, cố định cột sống.  Hoặc phẫu thuật cắt các đường dẫn truyền tiếp nhận cơn đau, tuy nhiên, phẫu thuật này chỉ được thực hiện với một số phẫu thuật viên chuyên sâu và khi các phương pháp điều trị đau khác không hiệu quả.

- Xạ trị: Tia xạ tiêu diệt các tế bào ung thư làm các khối u nhỏ hơn, làm giảm các áp lực đau lên các cơ quan trong khu vực chiếu xạ. Việc điều trị bằng xạ trị có thể mất một vài ngày đến vài tuần để có thể thấy được tác dụng, mức độ đáp ứng giảm đau của mỗi người cũng khác nhau, có những trường hợp xạ trị giúp bệnh nhân giảm đau hoàn toàn. Việc điều trị bằng bức xạ bao gồm cả xạ trị chiếu ngoài và các thuốc phóng xạ được đưa vào cơ thể qua đường uống hoặc đường tĩnh mạch.

- Thuốc: Bên cạnh những thuốc giảm đau dạng uống, còn có những miếng dán da, thuốc đặt trực tràng, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da và tiêm ngoài màng cứng. Việc chỉ định thuốc phụ thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể bao gồm cả  liều lượng và đường dùng. Thông thường bệnh nhân được sử dụng thuốc giảm đau theo bậc thang hướng dẫn điều trị đau của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bao gồm thuốc giảm đau thông thường và thuốc giảm đau gây nghiện.

BS Nguyễn Thị Hà (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

BS Nguyễn Thị Hà

BẢN DESKTOP