Dữ liệu y khoa

Đậu đen, đậu đỏ làm thuốc

  • Tác giả : Khánh Thủy (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Đông y gọi đậu đen là hắc đậu có vị ngọt, tính hòa hoãn, dùng tốt cho thận.

Hỏi: Tôi nghe nói đậu đen và đậu đỏ đều dùng làm thuốc rất tốt. Nên sử dụng như thế nào?

Ngô Thị Ngà (Thanh Hóa)

TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam: Đông y gọi âậu đen là hắc đậu có vị ngọt, tính hòa hoãn, dùng tốt cho thận. Đông y dùng đậu đen sao có mùi thơm đun nước uống để thanh nhiệt giải độc về mùa hè, bổ thận trừ phong thấp, bổ huyết. Trong Đông y, vị thuốc có màu đen đi vào thận nên dùng đậu đen sao hơi cháy làm vị thuốc dẫn các vị thuốc khác vào thận, thay cho cam thảo vì cam thảo có vị ngọt có lợi cho tỳ vị nhưng làm tổn hại thận. Nếu để thanh nhiệt thì nấu đỗ đen với đường phèn ăn vào buổi trưa. Nếu trừ phong thấp nấu đỗ đen với lá lốt ăn ngày hai lần vào buổi sáng và tối trước khi ăn cơm 15 phút. Hiện nay, một số địa phương dùng đỗ đen thay thục địa trong bài lục vị và bát vị để bổ thận âm và thận dương.

Đậu đỏ: Đông y gọi xích tiểu đậu, hồng phạm đậu, có vị ngọt, chua tính bình, vào tâm và tiểu tràng, có tác dụng hành huyết lợi thủy, tiêu sưng liễm mủ, trị chứng nhiệt độc mùa hè sinh tả lỵ, mụn nhọt. Nếu đại tiện ra máu mủ dùng xích tiểu đậu 30g, rau sam khô 20g đun nước uống. Nếu do nhiệt sinh mụn nhọt, rôm sảy, dùng xích tiểu đậu 50g đun chín nhừ cho lá non bồ công anh tươi, lá dâu tươi thái nhỏ 10g, thêm tý muối, chia 2 lần ăn trong ngày, ăn liên tục 5 - 7 ngày.

Khánh Thủy (ghi)

BẢN DESKTOP