Dữ liệu y khoa

Đau đầu dữ dội cẩn thận tử vong do chảy máu dưới nhện

  • Tác giả : Thúy nga
(khoahocdoisong.vn) - Với sự phối hợp nhiều chuyên khoa, Bệnh nhân Bạch Mai đã cứu sống được bệnh nhân Hàn Quốc bị chảy máu dưới nhện thể nặng. Chảy máu dưới nhện là một thể đột quỵ chảy máu não và là một cấp cứu thần kinh với tỷ lệ tàn phế và tử vong cao nên cần nhận biết để điều trị sớm tránh di chứng nặng nề.

Tổn thương có vị trí phức tạp

PGS.TS.BS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ nhân 66 năm ngày thầy thuốc Việt Nam, Trung tâm đã nhận được thư cảm ơn cứu sống bệnh nhân Bae Hyo Nam 46 tuổi, người Hàn Quốc. Theo đó, ngày 9/12/2020 bệnh nhân đang chơi golf ở Hòa Bình, đột ngột đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Hòa Bình, được chụp CT sọ não và chẩn đoán: Chảy máu dưới nhện và được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Hình ảnh Phim chụp xuất huyết dưới nhện lan tỏa - tụ máu não thất của bệnh nhân.

Hình ảnh Phim chụp xuất huyết dưới nhện lan tỏa - tụ máu não thất của bệnh nhân.

Kết quả chụp CTA - chụp mạch não phát hiện: Chảy máu dưới nhện lan tỏa - chảy máu não thất do vỡ phình lóc tách động mạch đốt sống phải đoạn V4. Đây là một tổn thương có vị trí khó, phức tạp.

Các bác sĩ nhận định đây là một ca đột quỵ nặng, nguy cơ vỡ thì hai rất cao và bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được can thiệp cấp cứu. Ngay lập tức bệnh nhân được hội chẩn đa chuyên khoa: Trung tâm Đột quỵ, Trung tâm Điện quang, Khoa Phẫu thuật thần kinh thống nhất: Tiến hành can thiệp Điện quang cấp cứu. Sau hơn 1 giờ căng thẳng, ca can thiệp đã thành công.

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, can thiệp mạch chỉ là một bước trong nhiều bước điều trị toàn diện cho bệnh nhân chảy máu dưới nhện - chảy máu não thất. Những ngày sau Trung tâm Đột quỵ phối hợp với Trung tâm Phục hồi chức năng tiến hành điều trị và phục hồi chức năng sớm, ngay tại giường cho bệnh nhân. Sau 12 ngày tích cực điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp được, tự thở, huyết động ổn định, được chuyển sang Bệnh viện Vinmec để tiếp tục điều trị. Sau 5 tuần điều trị tại Bệnh viện Vinmec, bệnh nhân được chuyển đến Viện Y học Cổ truyền, Bộ Công an để điều trị và phục hồi chức năng và bệnh nhân dần bình phục, xin ra viện về nước tiếp tục điều trị ngày 17/2/2021.

Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai.

Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai.

Người phình động mạch não phải cẩn thận

Theo PGS.TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, xuất huyết dưới nhện (SAH) là tình trạng máu bị rò rỉ chảy vào khoảng trống giữa não và màng bao quanh (màng não) – khoang dưới nhện. Không gian dưới nhện này là nơi dịch não tủy lưu thông và cũng là nơi đảm nhiệm chức năng bảo vệ não khỏi các chấn thương. Khi máu chảy vào không gian này có khả năng gây cản trở lưu thông dịch não, dẫn đến hôn mê, tê liệt và thậm chí là tử vong.

Tình trạng SAH xảy ra đột ngột và nhanh chóng, thường là hệ quả từ các chấn thương đầu và vỡ phồng động mạch não.

Phồng động mạch não tồn tại không triệu chứng trong thời gian dài và thường được phát hiện khi to lên gây chèn ép các dây thần kinh và tổ chức xung quanh hoặc đã bị vỡ gây chảy máu não. Khoảng 1 - 2% dân số bị phồng động mạch não, trong đó mỗi năm có ~1% bệnh nhân bị vỡ phồng động mạch não. Khoảng 10 - 15% số bệnh nhân vỡ phồng động mạch não bị tử vong trước khi đến viện và nếu không được điều trị kịp thời thì có đến 50% tử vong trong tháng đầu tiên sau vỡ túi phồng. Phồng động mạch não có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất từ 40 - 60. Hầu hết các phồng động mạch não tồn tại không triệu chứng, nên không được phát hiện trước khi bị vỡ gây đột quỵ chảy máu não. Chảy máu não do vỡ phồng động mạch não thường là chảy máu dưới nhện. Có thể vỡ 1 lần hoặc nhiều lần, lần sau thường nặng hơn lần trước và khó biết thời điểm bị vỡ lại. Khoảng 30% số bệnh nhân bị chảy máu tái phát trong vòng 2 tuần đầu sau lần chảy máu đầu tiên. Tỷ lệ tử vong và tàn phế cao.

Nếu tình trạng này xảy ra, triệu chứng điển hình nhất có thể nhận thấy là chứng đau đầu đột ngột, dữ dội và đặc biệt nghiêm trọng ở đáy hộp sọ. Ngoài ra, một số biểu hiện khác bao gồm: Đau cổ, tê khắp cơ thể, đau vai; Nhạy cảm với ánh sáng; Thị lực suy giảm, nhìn mờ hoặc nhìn đôi; Tâm trạng khó chịu bất thường; Buồn nôn và nôn mửa; Có dấu hiệu mấy ý thức...

SAH – một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề, chiếm khoảng 3% tất cả các thể đột quỵ. Các bệnh nhân sống sót thường mang khuyết tật vĩnh viễn, thiếu sót nhận thức (đặc biệt chức năng điều hành và trí nhớ ngắn hạn), và triệu chứng sức khỏe tâm thần (ví dụ trầm cảm lo âu)...

Vì vậy, những người có triệu chứng phồng động mạch não khi chưa bị vỡ: Giảm thị lực, đau đầu kéo dài, đau sau hốc mắt, sụp mi, giãn đồng tử, liệt vận động nhãn cầu, nhìn đôi... nên đi chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) để phát hiện điều trị sớm, can thiệp 2 - 3 ngày có thể ra viện. Trường hợp vỡ điều trị khó khăn và để lại nhiều di chứng nặng nề.

Thúy nga

BẢN DESKTOP