Dữ liệu y khoa

Đau đầu do phồng động mạch não rất nguy hiểm

  • Tác giả : Thuý Nga
(khoahocdoisong.vn) - Phồng động mạch não rất nguy hiểm, nếu không phát hiện kịp thời sẽ có nguy cơ vỡ gây chảy máu não và các biến chứng nguy hiểm khác. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu của đột quỵ não ở những người trẻ.

Bỗng nhiên đau đầu và nhiều người đột quỵ

Trong nhật ký cấp cứu một ngày làm việc riêng về đột quỵ não của PGS.TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 ghi: Trưa: Bố của một đồng nghiệp bên Vinmec bị đột quỵ chảy máu não do vỡ túi phồng động mạch não (PĐMN) giữa, được chuyển đến Bệnh viện 108 và can thiệp thành công sau 60 phút;

Tối: Đồng nghiệp từ Bệnh viện Bắc Ninh gửi xuống 1 bệnh nhân nam 38 tuổi, đột quỵ giờ thứ 5, do tắc động mạch cảnh trong trái. Hôn mê...

Đêm: Đồng nghiệp từ Thanh Hoá chuyển một bác 68 tuổi, đột quỵ chảy máu não do vỡ phồng động mạch thông trước...

Theo PGS.TS Lê Văn Trường, đau đầu có thể do rất nhiều nguyên nhân, trong đó đau đầu do bệnh lý PĐMN rất nguy hiểm, nếu không phát hiện kịp thời sẽ có nguy cơ vỡ gây chảy máu não và các biến chứng nguy hiểm khác. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu của đột quỵ não ở những người trẻ.

Theo nhiều nghiên cứu, khoảng 1 - 2% dân số bị PĐMN, trong đó mỗi năm có ~1% bệnh nhân bị PĐMN. Ở khu vực có 1 triệu dân, ước tính có 100 người bị đột quỵ chảy máu não do vỡ PĐMN hàng năm. Khoảng 10 - 15% số bệnh nhân vỡ PĐMN bị tử vong trước khi đến viện và nếu không được điều trị kịp thời thì có đến 50% tử vong trong tháng đầu tiên sau vỡ túi phồng. PĐMN có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất từ 40 - 60. Tỷ lệ nữ/nam ~ 3/2. Vỡ PĐMN chiếm 3 - 5% tổng số đột quỵ mới.

Điều nguy hiểm là hầu hết các PĐMN tồn tại không triệu chứng, nên không được phát hiện trước khi bị vỡ gây đột quỵ chảy máu não. Khi chưa bị vỡ, bệnh nhân có thể có triệu chứng như: Giảm thị lực, đau đầu kéo dài, đau sau hốc mắt, sụp mi, giãn đồng tử, liệt vận động nhãn cầu, nhìn đôi... Khi bị vỡ, triệu chứng đầu tiên thường là cơn đau đầu đột ngột, dữ dội và sau đó xuất hiện buồn nôn và nôn, cứng/đau gáy, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, đau trên hoặc sau hốc mắt, giãn đồng tử, tăng cảm với ánh sáng, bại - liệt tay chân, cơn co giật...

Ý thức: Có thể vẫn tỉnh táo hoặc rối loạn ý thức từ nhẹ (u ám, lẫn lộn) đến nặng (hôn mê)...

Điều trị càng sớm càng tốt để phòng tái phát

PGS.TS Lê Văn Trường phân tích, chảy máu não do vỡ PĐMN thường là chảy máu dưới nhện (còn gọi là chảy máu dưới màng nhện, chảy máu màng não) – một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề. Có thể vỡ 1 lần hoặc nhiều lần, lần sau thường nặng hơn lần trước và khó biết thời điểm bị vỡ lại. Khoảng 30% số bệnh nhân bị chảy máu tái phát trong vòng 2 tuần đầu sau lần chảy máu đầu tiên. Tỷ lệ tử vong và tàn phế cao.

Vì vậy, mục tiêu điều trị cơ bản khi PĐMN bị vỡ là ngăn chặn ngay chảy máu tái phát và điều trị những biến chứng do chảy máu dưới nhện gây ra. Khi phát hiện PĐMN không triệu chứng, cần được cân nhắc điều trị để dự phòng bị vỡ. Khi đã xác định chảy máu dưới nhện do vỡ PĐMN thì bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt để dự phòng bị chảy máu tái phát. Trước kia, khi có túi PĐMN bệnh nhân cần phải mổ sọ để kẹp túi phình, nhưng ngày nay kỹ thuật can thiệp mạch não rất tốt nên hầu như không phải mổ mà chỉ cần cao thiệp mạch nút túi phình hoặc đặt stent với kết quả rất tốt, bệnh nhỉ chỉ cần nằm viện 2 - 3 ngày.

Cách phòng ngừa và phát hiện PĐMN
- Tầm soát động mạch não: Phương pháp quan trọng giúp phòng ngừa đột quỵ do PĐMN đặc biệt ở người trẻ. Tầm soát động tĩnh mạch não sẽ giúp pháp hiện những dị dạng động tĩnh mạch não. Khi các bạn trẻ thường xuyên gặp phải tình trạng đau đầu, chóng mặt không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị, mà cần đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, tiến hành chụp MRI não và mạch não để tìm ra các bệnh lý của mạch não.
- Thực hiện các thói quen duy trì ổn định huyết áp: Không hút thuốc lá; Tránh hoặc hạn chế các thuốc làm tăng huyết áp, theo hướng dẫn của bác sĩ; Áp dụng lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên để kiểm soát huyết áp; Trao đổi với bác sĩ về các kế hoạch tiếp theo để giảm nguy cơ nếu cha mẹ, con cái hoặc anh chị em bị phình mạch - PGS.TS Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh – cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Thuý Nga

BẢN DESKTOP