Dữ liệu y khoa

Đau bụng sau mổ: Cẩn thận tắc ruột hoại tử

  • Tác giả : thúy nga
(khoahocdoisong.vn) - Tắc ruột sau mổ là biến chứng thường gặp sau khi phẫu thuật ở ổ bụng, đường tiêu hóa. Người bị tắc ruột sau mổ có thể phải cắt nhiều đoạn ruột, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 vừa phẫu thuật cứu sống bệnh bị hoại tử ruột non vì tắc ruột.

Ruột non hoại tử tím đen, nhiễm độc nặng

Năm 2019, chị N.T.H. (43 tuổi, Tuyên Quang) phải phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa. Mọi chuyện diễn ra bình thường cho đến ngày 27/2/2020, bệnh nhân thấy đau bụng dữ dội vùng thượng vị và quanh rốn, buồn nôn, nôn nhiều lần. Được gia đình đưa đến bệnh viện tuyến dưới, nhưng những cơn đau ngày càng tăng, tình trạng bệnh nặng dần.

Sau đó, gia đình đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 trong tình trạng ý thức lơ mơ, thở oxy hỗ trợ, da tím tái. Mạch, huyết áp phải dùng thuốc vận mạch. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định bệnh nhân đang ở trong tình trạng sốc, nghi do hoại tử ruột phải mổ ngay.

BS Phạm Văn Hiệp, Khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết: “Trong mổ, chúng tôi thấy gần toàn bộ ruột non đã bị hoại tử tím đen và ổ bụng có nhiều dịch hoại tử. Bệnh nhân bị sốc do nhiễm độc dịch hoại tử này. Nguyên nhân gây ra hoại tử ruột non là có dây chằng xuất phát từ gốc ruột thừa, quấn chặt mạc treo ruột non do đó gây thiếu máu ruột non và hoại tử ruột.”

Bệnh nhân H đã được cắt gần toàn bộ ruột non và bảo tồn khoảng 1m ruột non còn lại. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, vết mổ khô, chức năng gan thận trong giới hạn bình thường và không cần sử dụng thuốc vận mạch.

Theo BS Phạm Văn Hiệp, tắc ruột là một bệnh lý cấp cứu nguy hiểm. Thông thường, với tắc ruột cơ học, bệnh nhân sẽ được điều trị bảo tồn bằng truyền dịch, dùng thuốc giãn cơ trơn. Khi điều trị bảo tồn không có kết quả, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, những trường hợp tắc ruột cấp tính như xoắn mạc treo, do dây chằng,… dễ dẫn tới tình trạng sốc, hoại tử ruột. Trong trường hợp bệnh nhân H, nếu chậm trễ, nguy cơ tử vong cao. 

Bệnh nhân hồi phục sau khi được phẫu thuật kịp thời

Bệnh nhân hồi phục sau khi được phẫu thuật kịp thời

Vận động sớm để tránh tắc

ThS Trần Anh Tuấn, khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện K cho biết, tắc ruột sau mổ là biến chứng thường gặp sau phẫu thuật ở ổ bụng. Biến chứng tắc ruột có thể xảy ra muộn hoặc sớm sau mổ. Tình trạng tắc ruột xuất hiện sau vài ngày phẫu thuật. Cũng có nhiều trường hợp tắc ruột xảy ra sau khi bệnh nhân đã về nhà sinh hoạt bình thường. Thậm chí tắc ruột xảy ra sau một thời gian dài nhiều năm sau mổ. Biến chứng này có thể gây ra những nguy hiểm nếu không được phát hiện, theo dõi và xử trí kịp thời. 

Có nhiều nguyên nhân gây tắc ruột sau mổ như: Do quá trình mổ, các tổ chức ở phúc mạc, thành bụng hoặc bản thân ruột bị xoắn tổn thương và trong quá trình liền sẹo sẽ khiến các tổ chức xơ dính với nhau hoặc tạo nên các dây chằng gây ra ruột bị mắc và xoắn vào đó, khó chui ra, gây tắc ruột; Do các dị vật nhỏ rơi vào trong ổ bụng như thức ăn, chỉ phẫu thuật... được tổ chức bọc lại tạo ra các xơ dính gây tắc ruột; Do các quai ruột bị liệt cơ năng nên không thể hoạt động gây tắc....

Biến chứng tắc ruột sau mổ thường có các biểu hiện rõ ràng: Buồn nôn và nôn ngày càng tăng; Bệnh nhân không trung tiện; Đau bụng từng cơn, cơn đau ngày càng nhiều; Bụng ngày càng trướng.

Nhu động ruột có dấu hiệu như rắn bò, tăng nhu động ruột... Nhiều trường hợp người bệnh chủ quan với các dấu hiệu lâm sàng, các cơn đau bụng sẽ ngày càng dữ dội, có choáng, vã mồ hôi, nhợt người đi, hoặc đi ngoài ra máu. Nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến tình trạng xoắn ruột hoại tử, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo các chuyên gia, tắc ruột có một phần liên quan đến chế độ sinh hoạt và ăn uống của người bệnh sau khi mổ. Để tránh tắc ruột, giai đoạn hậu phẫu, người bệnh cần vận động sớm, nên ngồi dậy, vận động quanh giường ngay sau mổ từ ngày thứ 2 trở đi, tùy vào thể lực. Điều này giúp ruột có điều kiện lưu thông trở lại và sớm có nhu động.

Bên cạnh đó, chế độ ăn cũng đóng vai trò quan trọng tránh tắc ruột. Trẻ em, người già yếu nên tránh các thực phẩm xơ như măng, mướp, rau rút...; các loại hoa quả có nhiều tanin như ổi, hồng bởi các thực phẩm này gây kết dính với nhau dễ dàng tạo nên các khối bã thức ăn, gây tắc trong lồng ruột.

Thúy Nga

thúy nga

BẢN DESKTOP