Y học và đời sống

Đau bụng âm ỉ... tá hóa khi kết quả nhiễm giun đũa chó mèo

  • Tác giả : Thúy Nga
Khi nhiễm giun đũa chó, người bệnh sẽ có triệu chứng đầu tiên là ngứa, nổi mề đay, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, ăn kém, đau bụng, bạch cầu ái toan tăng... các bệnh ở não – thần kinh nghiêm trọng, thậm chí mù lòa, tử vong.

Đến bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thăm khám sau khoảng 1 tuần đau bụng âm ỉ, nữ bệnh nhân 26 tuổi được bác sĩ tư vấn thực hiện xét nghiệm giun sán – kí sinh trùng bằng kỹ thuật miễn dịch huyết thanh Elisa.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó. Bệnh nhân chia sẻ không nghĩ mình bị nhiễm giun mà chỉ đơn thuần bị bệnh dạ dày nên chủ quan không đi thăm khám sớm.

Bệnh nhân cho biết chị có tẩy giun thường xuyên và gia đình có nuôi 3 con mèo cảnh và 3 con chó cảnh.

Kết quả xét nghiệm nhiễm giun đũa chó mèo - Ảnh BVCC

Kết quả xét nghiệm nhiễm giun đũa chó mèo - Ảnh BVCC

Bác sĩ Bùi Thị Phấn – Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết: Khi nhiễm giun đũa chó, người bệnh sẽ có triệu chứng đầu tiên là ngứa, nổi mề đay. Ngoài ra, người bệnh có thể biểu hiện những triệu chứng kèm theo như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, ăn kém, đau bụng, bạch cầu ái toan tăng...

Bệnh giun đũa chó khiến người bệnh bị thiếu máu, ở một số trường hợp hiếm gặp có thể dẫn đến mù lòa, các bệnh ở não – thần kinh nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Chính vì vậy khi có những biểu hiện như trên cần đến Bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.

Ổ chứa ấu trùng dễ nhầm với khối u di căn

GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên trưởng Bộ môn ký sinh trùng, trường ĐH Y Hà Nội cho biết, tình trạng nhiễm giun đũa chó mèo rất thường gặp và đang có xu hướng gia tăng. Trước đây bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ do trẻ chơi ở những nơi đất cát, có phân chó mèo...nhưng hiện tại bệnh gặp nhiều ở cả trẻ em và người lớn.

Trong số những người đến khám và xét nghiệm ký sinh trùng, tỷ lệ người dương tính với giun đũa chó mèo tới 50%. Bé nhất đến khám nhiễm bệnh là trẻ 1 tuổi. Nguyên nhân không chỉ do tiếp xúc với đất, cát nhiễm ký sinh trùng mà do xu hướng ôm ấp, hôn hít và vuốt ve “thú cưng” ngày càng gia tăng của mọi người.

Con đường lây nhiễm giun đũa chó mèo - Ảnh minh họa

Con đường lây nhiễm giun đũa chó mèo - Ảnh minh họa

GS.TS Nguyễn Văn Đề phân tích, giống giun Toxocara thuộc họ giun đũa Ascarididae, liên quan đến người chủ yếu là giun đũa chó Toxocara canis và giun đũa mèo Toxocara cati. Toxocaraký sinh ở chó, mèo chứ không phải ở người.

Người lớn, hay trẻ em vô tình bị nhiễm Toxocara qua thức ăn, nước uống bẩn, tay bẩn sau khi nựng nịu, chăm sóc chó, mèo…Vào cơ thể, ấu trùng giun ký sinh ở khắp cơ thể, đặc biệt nhiều ở phủ, tạng như gan, phổi, mắt, não...

Đó là những ổ chứa ấu trùng giun với tổ chức viêm (dễ nhầm với các khối u di căn) và gây nên những triệu chứng khác nhau.

Thực tế ghi nhận có nhiều trường hợp thấy não bị tổn thương nhưng không phải do khối u mà do giun đũa chó mèo gặp ở nhiều bệnh viện. Hay có trường hợp ở BV Mắt TƯ bắt được con giun trong khối u ở mắt cách đây mấy năm.

Khối u không chỉ do ký sinh trùng trú ngụ mà còn do xác chết của chúng để lại. Bởi sau khi ta nuốt phải, ấu trùng giun xuyên qua thành ruột vào máu lưu hành đến: gan, tim, phổi, não, bắp cơ…

Sự tồn tại của ấu trùng và những chất tiết của chúng gây tổn thương thành mạch, mô mềm, hoại tử và xuất huyết, buộc cơ thể người đáp ứng lại bằng cách tạo ra phản ứng miễn dịch học và những phản ứng bệnh lý.

Ấu trùng giun không phát triển được trong cơ thể người, sau nhiều tuần, nhiều tháng chúng sẽ chết và bị vôi hóa, hình thành nên khối u hạt ở những nơi chúng “định cư”.

Phòng bệnh giun sán như thế nào?

Để phòng tránh các bệnh giun sán nói chung, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống nước đun sôi để nguội; rửa tay trước khi ăn hay sau khi nô đùa với chó, mèo; dọn dẹp phân chó, mèo vào túi và vứt vào thùng rác; chích ngừa, tẩy giun định kỳ cho thú nuôi và tẩy giun định kỳ cho cả gia đình.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP