Trong nước

Đặt stent trị hẹp niệu đạo cho người đàn ông nước ngoài

  • Tác giả : TS.BS Lê Đình Nguyên, BS Nguyễn Công Định
Dù có nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhưng hẹp niệu đạo vẫn là một thách thức do nguy cơ tái phát, biến chứng xì rò nước tiểu và phải can thiệp nhiều lần, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tâm lý, công việc....

Gần đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận và điều trị một trường hợp là người đàn ông nước ngoài, 42 tuổi, vào viện vì tình trạng tiểu khó, tia tiểu nhỏ. Qua quá trình thăm khám, thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu, người bệnh được chẩn đoán: Hẹp niệu đạo dương vật mức độ nặng.

Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 4 năm, bệnh nhân bị tai nạn giao thông, gây chấn thương nhiều cơ quan, trong đó có tổn thương niệu đạo và đã phẫu thuật nhiều lần ở nước bạn. Khoảng một năm nay, tình trạng rối loạn tiểu tiện ngày tăng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và công việc.

Bệnh nhân đã đi khám, được tư vấn có chỉ định can thiệp nhưng vì lý do khách quan không thể thực hiện được ở nước bạn nên đã lựa chọn đến khám và điều trị ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, làm một số xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu như đo niệu dòng đồ, soi niệu đạo bàng quang để đánh giá tình trạng tổn thương. Nhận định đây là trường hợp hẹp niệu đạo dương vật mức độ nặng: đường kính niệu đạo chỗ hẹp nhất khoảng 1mm, chiều dài đoạn hẹp khoảng 3cm.

TS. Đỗ Ngọc Thể, Phó Chủ nhiệm Khoa Tiết niệu dưới, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Đối với hẹp niệu đạo ở nam giới, hiện nay có một số phương pháp điều trị như: nong niệu đạo, xẻ hẹp niệu đạo bằng dao lạnh, xẻ hẹp niệu đạo bằng laser, phẫu thuật tạo hình niệu đạo, đặt stent niệu đạo.

Để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với mỗi bệnh nhân cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: Vị trí hẹp, mức độ hẹp, độ dài đoạn hẹp,… Trong đó đặt stent tự nở rộng là phương pháp ít xâm lấn, hiệu quả, mới được áp dụng trong vài năm gần đây.”

Các bác sĩ Khoa Tiết niệu dưới đã trao đổi, tư vấn cho bệnh nhân về tình trạng bệnh và các phương án lựa chọn điều trị. Phẫu thuật nội soi đặt stent niệu đạo tự nở rộng là phương pháp được lựa chọn.

Hình ảnh kíp phẫu thuật đang tiến hành đặt stent niệu đạo cho bệnh nhân - Ảnh BSCC

Hình ảnh kíp phẫu thuật đang tiến hành đặt stent niệu đạo cho bệnh nhân - Ảnh BSCC

Bệnh nhân được phẫu thuật đặt stent niệu đạo, lưu thông tiểu 24 giờ. Sau khi rút thông tiểu người bệnh tự tiểu tốt, tia tiểu to, rất thoải mái và được ra viện ngay ngày hôm sau.

“Tôi thực sự rất biết ơn các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khi vào viện tôi được chăm sóc tận tình và kết quả điều trị rất tốt. Tôi thấy chất lượng y tế của Bệnh viện, của Khoa thực sự tuyệt vời, thu hút người bệnh nước ngoài như chúng tôi”, người bệnh xúc động chia sẻ.

TS.BS Đỗ Ngọc Thể cho biết thêm: Hẹp niệu đạo do nhiều nguyên nhân khác nhau như chấn thương (tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt,..), nhiễm trùng niệu, các bệnh lây qua tình dục, thủ thuật đường niệu,…. Bệnh có thể dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề như: đái khó, bí đái, nhiễm trùng niệu, nhiễm trùng toàn thận, ứ nước thận, suy thận…

Hình ảnh niệu đạo sau khi đặt stent - Ảnh BSCC

Hình ảnh niệu đạo sau khi đặt stent - Ảnh BSCC

Hiện nay mặc dù có nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhưng hẹp niệu đạo vẫn là một thách thức do nguy cơ tái phát, biến chứng xì rò nước tiểu và phải can thiệp nhiều lần, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tâm lý, công việc, chi phí tốn kém.

Do đó, người bệnh nên đi khám và điều trị sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa Tiết niệu để đạt hiệu quả trị tốt, tránh để tình trạng bệnh nặng gây nhiều hậu quả.

TS.BS Lê Đình Nguyên, BS Nguyễn Công Định (Khoa Tiết niệu dưới (B2B), Trung tâm Tiết niệu và Nam khoa)

TS.BS Lê Đình Nguyên, BS Nguyễn Công Định

BẢN DESKTOP