Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thường quy phẫu thuật nội soi ổ bụng đặt lưới nhân tạo thành trước trực tràng và treo vào ụ nhô chữa trị thành công cho bệnh nhân bị sa trực tràng.
Khổ sở vì táo bón chữa trị nhiều nơi không khỏi
Trường hợp mới đây được phẫu thuật là N. (65 tuổi) trú tại tỉnh Bắc Giang. Người bệnh ở nhà táo bón kéo dài, đại tiện rất khó khăn. Bệnh nhân đi khám ở nhiều nơi, được điều trị bằng thuốc và áp dụng nhiều phương pháp, song tình trạng không thuyên giảm.
Đi khám tại bệnh viện tuyến trung ương, kết quả phim cộng hưởng từ động học tống phân cho thấy hình ảnh túi sa thành trước trực tràng và có chỉ định phẫu thuật.
Kíp bác sĩ khoa Ngoại thực hiện phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân bị túi sa trực tràng.
Kíp mổ khoa Ngoại do bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa cùng các cộng sự phối hợp với khoa Gây mê hồi sức thực hiện. Qua các vết rạch nhỏ trên thành bụng, phẫu thuật viên đưa dụng cụ nội soi tiến hành mở khoang giữa trực tràng và âm đạo, phẫu tích bộc lộ thành trước trực tràng đến cơ nâng hậu môn, tiến hành khâu lưới nhân tạo vào thành trước trực tràng, sau đó tiến hành đính cố định lưới vào trước cột sống thắt lưng để nâng đỡ trực tràng bị sa.
Ca phẫu thuật thực hiện thành công sau 90 phút, không mất ít máu nên sau mổ bệnh nhân phục hồi nhanh, đại tiện bình thường, xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Hình ảnh nội soi đặt lưới nâng trực tràng bị sa |
Sa trực tràng hình túi (Rectocele) là bệnh lý thoát vị thành trước trực tràng, gây rối loạn tống phân qua hậu môn, thường chỉ gặp ở nữ giới. Bệnh lý này gây tình trạng đại tiện khó và táo bón kéo dài, thường kèm theo các sa các cơ quan khác vùng chậu hông, mang lại nhiều phiền toái cho người bệnh.
Ít xâm lấn, hiệu quả cao
Bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Sa trực tràng dạng túi khó chẩn đoán do không có hiện tượng trực tràng sa ra ngoài hậu môn. Bệnh nhân T. đến viện do tình trạng tắc nghẽn khi đại tiện, luôn cảm thấy buồn đi ngoài nhưng đi không hết phân, gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Phẫu thuật điều trị túi sa trực tràng hiện có phương pháp mổ từ đường hậu môn và từ đường ổ bụng.
Với mục tiêu điều trị bằng kỹ thuật ít xâm lấn, chúng tôi đã học tập, nghiên cứu ứng dụng phương pháp phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới nhân tạo cố định phía trước trực tràng và treo vào ụ nhô.
Đây là kỹ thuật được đánh giá phức tạp do thực hiện các thao tác khó với túi sa thường rộng, dễ thủng thành trực tràng, trong phẫu trường chật hẹp, nhiều mạch máu thần kinh, cơ quan quan trọng cần bảo tồn; nhưng mang lại hiệu quả điều trị tối ưu, tỷ lệ tái phát thấp, ít đau, phục hồi nhanh. Vì vậy, chúng tôi duy trì triển khai thường quy nhiều năm nay”.
Hệ thống trang thiết bị nội soi hiện đại giúp các bác sĩ thực hiện các thao tác trong mổ chính xác. |
Không chỉ điều trị những trường hợp túi sa trực tràng, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh với chuyên môn vững vàng đã phẫu thuật thành công cho rất nhiều bệnh nhân bị sa sàn chậu mức độ nặng (sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng).
Các bệnh nhân đều có kết quả tốt, những triệu chứng cải thiện rõ ràng ngay sau mổ, ra viện sớm, không có biến chứng nào được ghi nhận cho đến nay, qua đó mở ra cơ hội cho những người bị sa tạng vùng chậu được điều trị triệt để, xóa bỏ mặc cảm tự ti, mang đến chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Sa tạng vùng chậu vốn là bệnh lý hay gặp ở phụ nữ, nhất là phụ nữ lớn tuổi do các tổ chức vùng sàn chậu hông suy yếu. Khi có các dấu hiệu bất thường, thay vì ngần ngại, do dự, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giúp người bệnh có kết quả tốt, tiết kiệm chi phí điều trị.