Khám phá

Đất Hiệp Hòa – Bắc Giang và Thám hoa Hoàng Sầm

Huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có nhiều dòng họ khoa bảng, tiêu biểu trong các tiến sĩ đỗ đạt của đất Hiệp Hòa phải kể đến Hoàng Sầm. Vì yêu tiểu thư con quan nên quyết chí học hành và chỉ sau 3 năm đèn sách ông đã đỗ Thám hoa.

Mảnh đất nhiều Tiến sĩ

Hiệp Hòa – một huyện trung du thuộc tỉnh Bắc Giang, nằm ở phía tây nam của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 30 km, cách thủ đô Hà Nội 50 km theo đường bộ; phía đông bắc giáp huyện Tân Yên, phía đông giáp huyện Việt Yên, phía nam giáp vùng đồng bằng châu thổ Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh, phía tây nam giáp huyện Sóc Sơn của Hà Nội, phía tây bắc giáp thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Mảnh đất Hiệp Hòa có lịch sử lâu đời, từ thời kỳ vua Hùng, thuộc bộ lạc Tây Âu, nằm trong bộ Vũ Ninh; thời thuộc Hán, nằm trong huyện Long Biên quận Giao Chỉ; thời Lý, có tên gọi là Phật Thệ nằm trong phủ Bình Lỗ lộ Bắc Giang; thời Trần có tên là Thiện Thệ; thời Lê mới có tên gọi chính thức là Hiệp Hòa thuộc phủ Bắc Hà; thời Nguyễn đến năm 1831 Hòa nằm trong phủ Thiên Phúc.

Trong các triều đại phong kiến, qua 11 khoa thi, huyện Hiệp Hòa có 13 người đỗ tiến sĩ. Ông Đoàn Xuân Lôi, người xã Ba Lỗ, tổng Mai Đình (nay là làng Trâu Lỗ, hay làng Sổ) là người đầu tiên của Hiệp Hòa đỗ tiến sĩ, đạt Trạng nguyên năm Xương Phù thứ 8 (1384); sau đó là các ông Ngọ Doãn Thọ người xã Ngọ Xá; Khổng Tư Trực, người Đoan Bái; Nguyễn Hoàng (trong Văn Miếu ở Hà Nội ghi là Nguyễn Mao) người xã Đức Thắng; Nguyễn Doãn Địch, người Hoàng Vân.

Hoàng Sầm, người Thù Sơn, sau chuyển sang Quế Trạo, làm đến Thượng thư, tước Hoàng Phúc bá, là con rể Nguyễn Doãn Địch; Ngô Trang, người Ninh Định; Nguyễn Thúc Lương, Gia Định; Nguyễn Kính, người Quế Trạo; Nguyễn Như Tiếp, người Phúc Mỹ; Nguyễn Hữu Đức, người Vân Cẩm; Ngô Dụng, người làng Vân Trì; Nguyễn Đình Tuân, người làng Trâu Lỗ, xã Mai Đình.

Hình minh họa

Bắc Giang nói chung và huyện Hiệp Hòa nói riêng có nhiều dòng họ khoa bảng, tiêu biểu trong các tiến sĩ đỗ đạt của đất Hiệp Hòa phải kể đến Hoàng Sầm, ông sinh năm Nhâm Thân, niên hiệu Hồng Thuận thứ 8 (1512), người xã Thù Sơn, tổng Quế Trạo, (nay thuộc xóm Giếng, xã Hòa Sơn); năm 27 tuổi thi đỗ Hội nguyên, vào thi Đình đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (Thám hoa), khoa thi Mậu Tuất, niên hiệu Đại chính thứ 9 đời Mạc Đăng Doanh.

Một người đặc biệt

Ông là bạn đồng khoa với Trạng nguyên Giáp Hải; làm quan cho vương triều nhà Mạc tới chức Lễ bộ Tả thị lang, tước “Hoàng Phúc hầu”, được xem là một con người đặc biệt trong lịch sử thi cử phong kiến Việt Nam, được chọn để chép trong sách “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án.

Điểm đặc biệt của ông là năm 24 tuổi, ông vẫn là một anh bần nông mù chữ, nhưng vì yêu cô tiểu thư con quan nên quyết chí học hành và chỉ sau 3 năm đèn sách ông đã đỗ Thám hoa.
Sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án ghi lại chuyện này như sau: Hoàng Sầm ở Thù Sơn đời đời làm nghề cày ruộng. Cha mất sớm, để lại cho mấy sào ruộng, mẹ con nương nhờ vào nhau sinh sống.

Mãi đến năm 24 tuổi, ông vẫn chưa hề biết một chữ nào. Bấy giờ ở huyện, có quan Thượng thư Nguyễn Doãn Địch về làng trí sĩ. Quan huyện sở tại bắt dân phu phải đi đón rước. Hoàng Sầm cũng trong số ấy sung vào chân khiêng kiệu tiểu thư con gái quan thượng; ông liếc mắt nhìn trộm thấy tiểu thư có nhan sắc thật tuyệt vời, lòng rung động khó tả.
Về nhà ông liền nói với mẹ là muốn lấy người con gái ấy. Mẹ ông giật mình cho rằng chuyện hão, nhưng ông không nghe mà cứ sắm đồ sính lễ bắt mẹ phải đi dạm hỏi.

Quan Thượng lấy làm lạ hỏi thì người mẹ kêu xin tha tội và kể đầu đuôi câu chuyện. Quan thượng nghe rồi cười mà bảo không hề gì rồi cho gọi ông đến xem “mặt mũi” như thế nào. Mặc mỗi một chiếc quần đùi, Hoàng Sầm đến sụp lạy trước thềm nhà.

Quan Thượng thư nói: – Con gái nhà quan, có đâu lại gả cho một kẻ bạch đinh. Hễ sau này anh làm nên sự nghiệp như ta, anh mới có thể lấy con gái ta được. Ông lạy hai lạy rồi thưa: Xin vâng mệnh quan lớn, nhưng cũng mong quan lớn giữ lời hứa cho.

(còn nữa)

Nguyễn Thành Trung

BẢN DESKTOP