Khoa học & Công nghệ

Đặt dàn nóng điều hòa ngoài trời tốn điện

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Đa phần các hộ gia đình, đặc biệt là ở chung cư, dàn nóng điều hòa được lắp đặt ở ngoài trời. Đây là một trong những lý do khiến điều hòa ngốn nhiều điện hơn mỗi khi sử dụng.

Nắng, mưa làm dàn nóng nhanh hỏng

Điều hòa không khí có 2 bộ phận được gọi là dàn nóng và dàn lạnh. Hiểu một cách đơn giản đó là trong quá trình hoạt động, cục lạnh sẽ thổi ra khí lạnh làm mát phòng, còn cục nóng thổi khí nóng được hút từ trong phòng ra bên ngoài. Với nguyên tắc trên, cục nóng của điều hòa bắt buộc phải lắp đặt ở bên ngoài phòng để làm nhiệm vụ đẩy khí nóng ra ngoài. Theo quan sát của PV thì hầu hết các chung cư cao tầng, tòa nhà, văn phòng, hộ gia đình… lắp đặt dàn nóng ngoài trời và không có mái che. Tuy nhiên, nếu lắp đặt như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới độ bền của dàn nóng.

GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện KH&CN Nhiệt lạnh cho biết, đây là thói quen sai lầm phổ biến nhiều người mắc phải. Khi lắp đặt dàn nóng điều hòa ngoài trời nhưng không được che chắn mà thường xuyên bị dầm mưa, nắng chiếu quanh năm. Đây là nguyên nhân chính khiến cho dàn nóng dễ hư và người dùng lại phải tốn chi phí sửa chữa. Ngoài ra, việc lắp đặt cục nóng ở ngoài trời, nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào sẽ làm tăng nhiệt độ của cục nóng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc điện năng tiêu tốn nhiều hơn, tuổi thọ điều hòa rút ngắn đi do cục nóng điều hòa phải làm việc liên tục.

Mặc dù nhiều hãng sản xuất liên tục tung ra các công nghệ cũng như kiểu thiết kế để giúp dàn nóng điều hòa chống chọi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Và dàn nóng cũng được thiết kế để lắp đặt ngoài trời. Tuy vậy, việc lắp đặt dàn nóng điều hòa mà không có mái che phơi mưa, nắng ngoài trời quanh năm là không nên.

Không để nơi có gió quẩn

Theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, vị trí lắp đặt dàn nóng tốt nhất là ở các lô gia của chung cư, sân thượng có mái che, ban công của phòng... Là ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và có mái che. Vị trí lắp đặt dàn nóng điều hòa nên cách tường ít nhất 10cm, và đặt ở nơi không có vật cản phía trước cũng như những nơi có hướng gió thổi thường xuyên để quạt có thể thoát hơi nóng ra ngoài một cách hiệu quả nhất.

Vị trí đặt dàn nóng cần tránh hướng gió thổi vuông góc trực tiếp quá mạnh vào cánh quạt, vì sẽ ảnh hưởng đến sức cản lớn cho tốc độ quay của quạt, gây nên tình trạng lãng phí điện năng đáng tiếc. Mặt ngoài của dàn nóng phải cách tường ít nhất 1m để tránh tình trạng quẩn gió. Nếu gió nóng thổi ra ngoài rồi lại đẩy ngược lại vào bên trong để làm lạnh thì sẽ tiêu tốn rất nhiều điện năng. Do đó, nếu muốn tìm vị trí vừa mát, có mái che cho dàn nóng… thì phải lưu ý hướng gió thổi của dàn nóng. 

Nhiều người có “sáng kiến” dội nước vào dàn nóng cho mát mỗi khi trời quá nắng nóng, sau đó mới bật điều hòa để tiết kiệm điện. Điều này là phản khoa học vì dàn nóng thực hiện hút và đẩy không khí, nên chỉ hiệu quả khi không gian xung quanh dàn nóng được làm mát, che phủ bởi mái che, cây cối. Việc đổ nước vào giàn nóng sẽ làm cho bụi bẩn bên trong dàn đóng cặn lại, rất khó để làm vệ sinh dàn. Ngoài ra, những thành phần có trong nước tưới vào giàn có thể làm hỏng các linh kiện bên trong dàn nóng.

Việc vệ sinh dàn nóng của điều hòa phải được thực hiện bởi thợ sửa chữa chuyên nghiệp. Không nên tự ý tháo dỡ, kiểm tra cũng như lắp đặt dàn nóng để tránh những rủi ro đáng tiếc. Dàn nóng dù lắp ở đâu cũng cần có dây tiếp đất để đảm bảo an toàn lưới điện. Tránh để trẻ em lại gần khi giàn đang hoạt động.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP