Dữ liệu y khoa

Đạo diễn NSƯT Trần Lực: Sống là phải vui!

  • Tác giả : Tuyết Vân (thực hiện)
(khoahocdoisong.vn) - Thích ứng với hoàn cảnh, tinh thần lạc quan vui vẻ, rèn luyện sức khỏe, động viên, chăm sóc người thân cùng vượt qua mùa dịch là điều mà Đạo diễn, NSƯT Trần Lực đang thực hành mỗi ngày. Trò chuyện với KH&ĐS, NSƯT Trần Lực cho biết, cuộc sống vẫn tiếp diễn và mình phải xác định sống chung với dịch Covid-19 thì tại sao không sống một cách lạc quan yêu đời...
Gia đình đạo diễn Trần Lực.

Gia đình đạo diễn Trần Lực.

Cuộc đời đẹp lắm

Dịch bệnh nghiêm trọng, gia đình “người Bắc kẻ Nam” anh có lo lắng không?

Tôi quan điểm sống ngày nào trên đời là phải vui vẻ. Cuộc đời đẹp lắm, kể cả trong mùa dịch, tội gì mình không tận dụng. Dịch bệnh thì ai cũng lo lắng, nhưng lo cũng chẳng giải quyết vấn đề gì nên tốt nhất là cả gia đình trao đổi, nói chuyện, nhắc nhở nhau giữ gìn và sống lạc quan. Thật ra chẳng bao giờ hết lo, nhưng phải sống vui vẻ hơn để làm cho mọi người quanh mình yên tâm hơn. Vợ con tôi đang sống ở Đồng Tháp với nhà ngoại, tôi thì ở Hà Nội với nhà nội, hằng ngày động viên nhau qua videocall. Dù như thế nào cuộc sống vẫn tiếp diễn và mình phải xác định sống chung với dịch thì tại sao không sống một cách lạc quan yêu đời?!

Trên trang cá nhân anh luôn chia sẻ những hoạt động tươi vui, tích cực động viên mọi người lạc quan vượt qua mùa dịch. Nhờ đâu mà anh có sự lạc quan đó?  

Tôi nghĩ mọi chuyện đơn giản đi một chút, không phải là coi thường dịch bệnh mà là sẵn sàng sống chung với nó. Tôi tự đặt tình huống có thể mình cũng “dương” thì sao? Thì phải chuẩn bị sẵn thuốc men, cách phòng chống, thực hiện nghiêm túc 5K... Việc đầu tiên muốn tự tin, lạc quan là phải có kiến thức về nó. Tôi tự tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để phòng tránh, ứng phó. Dịch chưa biết khi nào sẽ hết nên khi mình xác định sống chung với nó thì mình sẽ thấy tinh thần thoải mái ngay. Và mình phải có nhiều hoạt động một cách tích cực để chứng tỏ mình đang sống, mình không bị sợ nó quá!

4 thế hệ trong gia đình Đạo diễn NSƯT Trần Lực.

4 thế hệ trong gia đình Đạo diễn NSƯT Trần Lực.

Người khỏe mới tự tin chứ người yếu cũng hơi lo đấy anh?(Cười)

Đúng rồi! Sức khỏe có tốt thì tinh thần mới thấy thoải mái, tự tin. Đợt này rảnh ngày nào tôi cũng tập thể dục, có ngày tập 2 tiếng. Trước đây cắm đầu vào công việc ít có thời gian tập. Giờ tập xong thấy mình khỏe, ham rồi thành thói quen.

Người ta nghỉ dịch ăn ngủ nhiều lo béo còn anh lại khoe hình thể quay về thời sinh viên “ít mỡ, lắm múi”. Anh có thể bật mí bí quyết ăn uống tập luyện cho độc giả?

Lúc Hà Nội chưa thực hiện giãn cách thì tôi thường tập chạy, đi bộ, đi xe đạp, bơi... Tôi tập nhẹ nhàng thôi, linh hoạt, không ép cơ thể. Giờ dịch bệnh thì càng phải giữ sức khỏe nên ở trong nhà cũng phải tập. Tôi quan niệm còn sống, còn thở thì phải khỏe. Ngày nửa tiếng ngồi thiền luyện hơi thở, sau đó tập một bài khí công. Không đi bộ được thì leo cầu thang 18 tầng mỗi ngày. Lúc đầu cũng toát mồ hôi nhưng dần dần thành quen thấy bình thường. Việc tập luyện lâu dài nên cứ túc tắc tập phù hợp sức mình. Mình thấy sảng khoái, khỏe mạnh là được. Tôi cũng hay tranh thủ trong lúc nấu cơm, chờ thức ăn hẹn giờ thì mang kèn ra tập. Học kèn cũng là luyện khí, hít thở, nén hơi như khí công, tốt cho cơ bụng, nở phổi. Giờ đang dịch không đi bơi được chứ bình thường mùa hè tôi bơi đều mỗi ngày, mùa đông thì ít hơn. Ở tuổi tôi, tập môn gì cũng được nhưng linh hoạt theo niềm vui thích, không cố. Hôm nào cố là mệt ngay nên cứ lượng vừa sức mình thôi.

Đạo diễn NSƯT Trần Lực và cha.

Đạo diễn NSƯT Trần Lực và cha.

Trong thời gian Hà Nội giãn cách, anh tự đi chợ, đi mua thuốc, nấu ăn và chăm sóc gia đình. Có khó khăn gì không với một người đàn ông của công chúng như anh?

Hà Nội thực hiện giãn cách, cô giúp việc không đến được nên tôi phải tự tay nấu ăn, đi chợ, làm nhiệm vụ chăm sóc bố. Chỉ lúng túng lúc đầu thôi, sau dần cũng quen. Thực ra dưới nhà có siêu thị nên cũng tiện, họa hoằn lắm mới đi chợ. Nếu siêu thị không có khoai thì tôi mới phải ra chợ mua cho bố. Bố tôi ăn theo thực đơn cho người cao tuổi, nhiều rau và khoai... Ông thích ăn cá kho, cà ri thì tôi đặt mua. Cháo gà thì dễ, tôi tự nấu được. Tôi nấu ăn kém, ông lại quen ăn những món cô giúp việc nấu nên thỉnh thoảng tôi phải gọi điện hỏi cô giúp việc để nấu cho ông. Chính việc chăm sóc ông khiến hai bố con nói chuyện với nhau nhiều hơn, gần gũi hơn. 

Xác định sống chung

Có vẻ thời gian nghỉ dịch mang lại cho anh nhiều điều thú vị?

Chính thời gian này tôi lại làm được nhiều việc cho bản thân mình hơn. Trước tiên là nhìn nhận lại sức khỏe của mình, công việc, mối quan hệ gia đình, bạn bè... Dịch bệnh nguy hiểm, nhưng nó cũng cho chúng ta có thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, hiểu nhau nhiều hơn. Bố tôi 96 tuổi rồi. Bình thường tôi đi suốt, giờ thì có thời gian tâm sự hiểu bố hơn, hiểu cuộc sống của người già hơn. Dịp này tôi ở nhà, nói chuyện nhiều, ông vui vẻ hẳn ra. Được con cháu chăm sóc cụ rất vui.

NSƯT Trần Lực hát chèo biến tấu mời cha "xơi" cơm.

NSƯT Trần Lực hát chèo biến tấu mời cha "xơi" cơm.

Anh có chia sẻ rất nhiều clip diễn kịch, hát chèo, thổi kèn, ca cải lương... để mua vui, động viên cha ăn uống, giúp ông vượt qua mệt mỏi, ốm đau, khỏi bệnh. Đây là “đặc thù nghề nghiệp” hay có duyên cớ gì?

Không phải nghề nghiệp! Từ ngày xửa ngày xưa rồi nhà tôi đã thế rồi, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Quan điểm của bố mẹ tôi từ thời bao cấp khó khăn, nhưng có gì ăn nấy, luôn vui vẻ. Mọi người trong nhà luôn trêu nhau, bố mẹ trêu tôi, các anh em trêu nhau, trêu lại bố mẹ. Giờ bố tôi có tuổi rồi, càng cần phải làm cho ông vui. Chỉ cần mình luôn tâm niệm là phải làm cho bố mình vui vẻ thì mình sẽ làm được và tìm ra cách tiếp cận với các vấn đề của cụ. Với người già tinh thần là quan trọng nhất. Thuốc thang cũng quan trọng nhưng tâm lý quan trọng hơn. Cứ làm cho các cụ vui vẻ thoải mái thì sẽ ăn ngủ tốt. Ông nhạy cảm lắm, cái gì thái quá cụ cũng không thích đâu. Cũng phải đo ý cụ đấy! Cụ mệt thì cũng chẳng dám đùa nhiều, để cho cụ nghỉ. Vừa rồi đang dịch mà cụ ốm ho sốt nên tôi càng cố gắng làm cho cụ vui để chóng khỏe.

Cụ thích đọc sách, đọc báo online. Tôi mua cho bố cái Ipad để cụ chơi “phây búc”, lên mạng vui đùa với con cháu, bạn bè hàng ngày. Tôi cũng nhắc các con vào Fb hỏi thăm ông, đăng chuyện vui lên cho ông xem. Cụ cũng vào Fb tôi thường xuyên, hai bố con trêu chọc nhau suốt mà! Chăm sóc người già không khó, chỉ cần mình tâm niệm làm thì làm được thôi!

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực thổi kèn cho cha nghe để động viên ông ăn uống.

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực thổi kèn cho cha nghe để động viên ông ăn uống.

Giờ mà nhà có người ốm thì cũng “căng”. Nhà anh có bác sĩ riêng cho ông ạ?

Không, bác sĩ phường thôi! Ôi cũng lo chứ! Ho sốt trên 38 độ theo đúng quy trình là phải báo y tế phường. Họ chỉ dẫn tôi cách kiểm tra xem ông nhiễm lạnh hay bị Covid-19. Chính ra y tế phường rất hay, họ tư vấn nhiệt tình, nói trúng phóc luôn triệu chứng ông nằm máy lạnh bị cảm sốt. Họ hướng dẫn cách chăm sóc, thuốc men, nếu triệu chứng thay đổi thì báo họ kiểm tra... Chắc là họ cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại như của tôi nên tư vấn chuẩn luôn. Bệnh bố tôi cứ giảm dần rồi khỏi thôi. Tôi cũng xác định, kể cả nếu có bị “dương tính” thì cũng phải bình tĩnh xử trí cho chuẩn.

Rất nhiều người không thể lạc quan như anh vì thất nghiệp, giảm lương, con cái không đi học, xa cách người thân... Anh có lời chia sẻ gì về điều này?

Tôi cũng như mọi người thôi. Dịch ở nhà thì công việc đình trệ, kinh tế giảm đi nhiều, nhưng chẳng có cách nào khác, cả thế giới chứ đâu riêng Việt Nam, nhưng mình phải chấp nhận, tìm hướng thích nghi. Với người làm nghệ thuật, đây là thời giãn tĩnh tâm, để “nạp” thêm năng lượng có những sáng tạo mới. Với tôi đây là thời gian đọc sách, nghiên cứu... để tăng thêm vốn sáng tác. Trong cái rủi cũng có cơ may. Bình thường công việc cuốn đi, muốn nghỉ, muốn học cũng không được. Giờ thì chỉ cần tổ chức lại cuộc sống của mình thôi. Tiền ít thì sống theo kiểu ít tiền. Trước quần áo, ăn nhậu, đi chơi bạn bè... tốn kém, giờ bớt được những khoản đó. Dịch bệnh chưa biết khi nào hết và có thể quay lại bất kỳ lúc nào nên chúng ta phải xác định sống chung và lên kế hoạch cho điều đó.

Xin cảm ơn anh!

Tuyết Vân (thực hiện)

BẢN DESKTOP