Khám phá

Danh sĩ Hồ Sĩ Đống – kỳ 3: Những vần thơ đi sứ

Những vần thơ đi sứ của Hồ Sĩ Đống, cùng thơ đi sứ của Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Kiều

Hình minh họa.

Chúa ban bạc vì nhà thanh bạch

Hồ Sĩ Đống đổ bệnh, nhà vua, nhà chúa sai ngự y đến thăm bệnh và thuốc thang cho ông. Nhưng ngày 10 tháng 10 năm Ất Tỵ (1785) quan Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống qua đời, hưởng dương 47 tuổi, được truy tặng Hình bộ Thượng thư.

Nhân dân, binh sĩ xa gần nghe tin, mến thương ông đều khóc. Xét thấy nhà cửa ông thanh bạch không có của cải gì, chúa ban cho 2 tấm đoạn, 13 nén bạc, truyền cho ba đạo thủy binh Sơn Nam, Thanh Hóa, Nghệ An hộ tống quan tài về an táng ở quê nhà Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bùi Huy Bích, quan Hành tụng soạn văn tế ông.

Hồ Sĩ Đống đã để lại một số tác phẩm như Hoa trình khiển hứng (Cảm hứng tiêu khiển trên hành trình đi sứ Trung Hoa), còn có tên là Dao Đình sứ tập.

Căn cứ theo bài Tựa do tác giả viết năm Kỷ Hợi (1779), thì tập thơ có hơn trăm bài thơ chữ Hán và Dao Đình thi tập (tập thơ của Dao Đình).

Hiện trong Thư viện Khoa học xã hội Hà Nội có hai bản sách của Hồ Sĩ Đống, đó là Dao Đình sứ tập và Dao Đình thi tập. Theo Trần Văn Giáp thì Dao Đình thi tập là tập thơ chung cho tất cả các bài thơ của Hồ Sĩ Đống, còn Dao Đình sứ tập hay Hoa trình khiển hứng chỉ là tập thơ riêng làm trong dịp đi sứ năm Đinh Dậu (1777).

Ngoài ra, ông còn viết vài bài Tựa, trong đó có bài Tựa cho tập Sứ Hoa tùng vịnh của Nguyễn Tông Quai và tấu khải, cũng đều bằng chữ Hán.

Trong Lê quý dật sử của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, người cùng thời với Hồ Sĩ Đống, đã viết về ông như sau: “Tham đốc ban Quận công Hồ Sĩ Đống là người ôn hòa, bình dị, thi đỗ Hoàng giáp, vâng mệnh đi sứ có công. Khi Tĩnh vương (Trịnh Sâm) còn sống ông chưa được trọng dụng, nhưng lòng người đều kính phục đức vọng của ông.

Đến Đoan vương (Trịnh Khải) ông được thăng chức Hành Tham tụng (quyền Tể tướng). Đến khi ông ốm, chúa thượng sai người đến thăm hỏi, lại ban tước Ban quận công. Ông mất quân lính các đoan cơ, thuyền đội ở kinh không ai là không thương xót.”

Hồn thơ khí khái

Về thơ, Hồ Sĩ Đống được danh sĩ thời Nguyễn là Phan Huy Chú khen là “hồn hậu, phong nhã, có khí khái” và đã giới thiệu hai bài trong bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí, đó là Đăng Nhạc Dương lâu (Lên lầu Nhạc Dương) và Đăng Hoàng Hạc lâu (Lên lầu Hoàng Hạc).

Hồ Sĩ Đống được Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tùy bút, kể tên cùng Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Huy Oánh là ba bậc thầy phục hưng thi ca.

Với quan Hoàng giáp Nguyễn Tông Khuê, Phạm Đình Hổ khen rằng thơ ông tinh vi đẹp đẽ, nhưng lại cho rằng: có phần vụn vặt quá.

Với quan Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, ông khen là thơ của bậc thanh cao, nhưng lại cho là: vẫn có ý mô phỏng (thi ca danh tiếng Trung Quốc). Nhưng với quan Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống, ông lại khen: “Thơ Hoàn Hậu công thì chủ lấy khí phách, không làm lấy điêu khắc, vẽ vời làm khéo.”

Nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân trong Từ điển văn học gần đây nhận xét: Hồ Sĩ Đống là người cẩn trọng, bình tĩnh, giản dị, có tài văn chương.

Sáng tác của ông thường là đề vịnh di tích, nhân vật lịch sử, đền miếu, phong cảnh… trên dọc đường đi sứ. Nhìn chung, chúng đều có những nét tươi đẹp, uyển chuyển, do khả năng đổi mới của cảm xúc và cách thể hiện độc đáo của nhà thơ.

Cùng thơ đi sứ của Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Kiều, Nguyễn Tông Quai, Lê Quý Đôn…, thơ Hồ Sĩ Đống góp phần tạo nên thể cách trầm hùng, nhuần nhã của thơ đi sứ thời Lê Trung hưng.

         Nguyễn Bảo Nam

BẢN DESKTOP