Địa ốc

Đằng sau cuộc đua sân golf: Một công thức “nuốt” đất rừng

  • Tác giả : Minh Quang - Đông Hưng
(khoahocdoisong.vn) - Với các dự án sân golf, điều tiên quyết để được triển khai là phải “lọt” vào Danh mục các dự án Quy hoạch sân golf đến năm 2020. Trong “cơn lốc” xin “lọt” danh mục này, 02 năm trở lại đây, không thiếu dự án golf đề xuất “ăn” vào đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, đặc dụng…

Gọt cho “lọt” quy hoạch

Một trong những điều kiện tiên quyết để đầu tư sân golf là không được phép sử dụng đất lúa, đất màu, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… Tuy nhiên, điểm qua các dự án sân golf có dấu ấn của các doanh nghiệp mang “họ” Trường An, có thể thấy việc triệt để thực hiện những điều kiện quan trọng này lại không như vậy.

Tại dự án sân golf hồ Núi Cốc tại Thái Nguyên, năm 2017, Công ty CP Đầu tư phát triển Trường An khảo sát, lập quy hoạch xây dựng với diện tích 162,76ha tại xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên. Dự kiến gồm hệ thống golf 36 lỗ, các công trình đi kèm… tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.

Tháng 12/2017, tỉnh Thái Nguyên đã có tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ KH&ĐT đề nghị bổ sung dự án này vào quy hoạch sân golf đến năm 2020. Tỉnh báo cáo việc bổ sung sân golf Hồ Núi Cốc phù hợp với các quy hoạch du lịch. Đồng thời diễn giải dự án “chỉ” chuyển đổi đất đồi núi sử dụng hiệu quả thấp sang làm du lịch dịch vụ.

Tuy nhiên, theo Sở TN&MT và Sở NN&PTNT, hiện trạng đất đai khu vực đề xuất dự án phù hợp với tiêu chí xây sân golf của Quyết định 1946/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và các văn bản liên quan. Nhưng, đối chiếu quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013 - 2020 (theo Quyết định 1518/QĐ-UBND ngày 10/7/2014) của tỉnh, khu vực đề xuất dự án có tới 74,6ha được quy hoạch là rừng phòng hộ và 12,83ha quy hoạch là rừng sản xuất.

Tờ trình tháng 12/2017 của UBND tỉnh xác nhận số liệu này, và cho biết Sở NN&PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh thực hiện theo cách điều chỉnh quy hoạch rừng của tỉnh, nhằm đảm bảo yêu cầu pháp lý cho dự án sân golf. Nhưng theo UBND tỉnh Thái Nguyên, “khu vực ở đây đến nay vẫn chưa thể triển khai các dự án theo quy hoạch 3 loại rừng”.

Mặt khác, trong hồ sơ đề xuất gửi Bộ KHĐT, tỉnh Thái Nguyên nêu thuyết minh của chủ đầu tư – Công ty CP Đầu tư phát triển Trường An. Cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng còn được bắt nguồn từ nhu cầu thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc tại văn bản 2228/QĐ-TTg ngày 18/11/2016.

Theo đó, khu vực đề xuất dự án sân golf tại xã Phúc Trìu có vị trí thuộc quy hoạch phân khu trung tâm vùng lõi Khu du lịch Quốc gia – được dự kiến xây dựng các hạng mục gồm: Khu dịch vụ đón tiếp; khu dịch vụ khách sạn, nhà hàng, mua sắm; khu dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí…”. Nên sẽ dẫn tới nhu cầu rà soát, điều chỉnh đưa ra khỏi ranh giới phát triển rừng phòng hộ.

Nói cách khác, nếu được thông qua, quy hoạch phát triển 3 loại rừng sẽ phải nhường đất cho phát triển du lịch tại tỉnh Thái Nguyên, mà cụ thể là cho dự án sân golf.

Vào tháng 4/2019 tại cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh, các Sở ngành liên quan tỉnh Thái Nguyên và chủ đầu tư cho thấy, dự án sân golf 36 lỗ Hồ Núi Cốc lúc này quy mô nghiên cứu còn khoảng 134,79ha, đã hoàn thành bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất của tỉnh được Chính phủ phê duyệt. Chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư trình UBND tỉnh và Bộ KHĐT, chờ bổ sung quy hoạch sân golf đến năm 2020.

Nhanh hơn dự án tại Thái Nguyên, một doanh nghiệp cũng thuộc họ “Trường An” là Công ty CP Đầu tư golf Trường An đã kịp đưa dự án sân golf Việt Yên (Bắc Giang) “lọt” danh mục quy hoạch. Tháng 3/2018, Bộ KHĐT đã đồng ý bổ sung dự án sân golf Việt Yên tại xã Hương Mai và xã Trung Sơn, huyện Việt Yên vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Sân golf Kim Bảng, Hà Nam xây dựng một số công trình khi chưa có giấy phép.

Sân golf Kim Bảng, Hà Nam xây dựng một số công trình khi chưa có giấy phép.

Tháng 4/2019, Công ty CP Đầu tư golf Trường An đề xuất UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sân golf Việt Yên, với quy mô khoảng 150ha, gồm 36 lỗ, tổng mức đầu tư dự án là 1.214 tỷ đồng (vốn tự có là 250 tỷ đồng), còn lại là vay. 

Tương tự dự án tại Thái Nguyên, trong diện tích đất đề xuất xây sân golf Việt Yên cũng ghi nhận sẽ chiếm hơn 97ha đất rừng sản xuất. Nhưng, UBND tỉnh Bắc Giang cũng khẳng định chiếm phần lớn khu vực đề xuất xây sân golf là “rừng trồng sản xuất giá trị kinh tế thấp” (chưa rõ tỷ trọng đất rừng sản xuất là rừng trồng hay rừng tự nhiên).

Từ quen, sang vi phạm

Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư sân golf Kim Bảng, Hà Nam - một doanh nghiệp thuộc "họ" Trường An. 

Được biết, năm 2016, dự án sân golf Kim Bảng (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) được bổ sung vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào tháng 5/2016, điều chỉnh vào tháng 7/2017. Đây là sân golf 36 lỗ và các công trình kèm theo như khu dịch vụ nghỉ dưỡng, biệt thự sinh thái trên diện tích khoảng 198,24ha. 

Vào tháng 4/2019, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kết luận, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư (Công ty CP Golf Trường An) đã không có hồ sơ lấy ý kiến và đồ án quy hoạch điều chỉnh; Ranh giới đất tại một số vị trí của Dự án được điều chỉnh lệch ngoài ranh giới đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Cũng theo Thanh tra Bộ Xây dựng, chủ đầu tư đã tổ chức khởi công, xây dựng nhiều công trình khi chưa có giấy phép xây dựng (18 hố Golf, nhà Câu lạc bộ, đường giao thông đối ngoại, trạm xử lý nước thải, nhà bảo dưỡng và công trình phụ trợ). Đồng thời, chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư trước khi có kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của Cục quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng. Chủ đầu tư cũng phê duyệt thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công và xây dựng các công trình, hạng mục công trình khi chưa có văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước. Tất cả hành vi trên đều vi phạm pháp luật xây dựng.

"Công thức" lách quy định và vi phạm xây dựng không là riêng của doanh nghiệp "họ" Trường An.

Nhìn chung, khi quy định cấm lấy đất rừng, đất lúa...làm sân golf, các địa phương vẫn có khá nhiều cách để "giải quyết". Giải pháp cam kết trồng bù rừng, hay "thanh minh" là đất lúa năng suất thấp, rừng sản xuất, đất chưa trồng rừng... được linh hoạt sử dụng, như là giải pháp về pháp lý để đưa được dự án golf “lọt cửa” Danh mục các dự án Quy hoạch sân golf đến năm 2020. Đất rừng, đất lúa bỗng thiếu hiệu quả khai thác đến lạ lùng, mỗi khi dự án golf xuất hiện. Đó là thực tế tại cả loạt dự án golf đã có quy hoạch, hay đang xếp hàng chờ quy hoạch.

Không khó hình dung việc xây dựng không phép, tự ý điều chỉnh thiết kế tại các dự án sân golf cũng tràn lan, như là hệ quả của việc quy định Thủ tướng còn dễ lách. Có ai tin các chủ sân golf dám làm thế, nếu không dựa vào quan hệ ?

Minh Quang - Đông Hưng

BẢN DESKTOP