Dữ liệu y khoa

Đắng lòng bà ngoại “bất đắc dĩ” tuổi 30

  • Tác giả : Thúy Nga
Bị “bắt” lên chức bà ngoại, nhiều phụ nữ ở tuổi 30 không chỉ đau đớn, ngỡ ngàng, xấu hổ… mà còn vất vả trăm bề vì phải gánh trên vai thiên chức vừa làm bà vừa làm mẹ.

Câu chuyện những bà ngoại tuổi 30 không chỉ còn ở vùng cao, vùng dân tộc ít người với tệ nạn tảo hôn, mà ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… nhiều chị em cũng bị “thăng chức” bất đắc dĩ vì con gái 13 – 17 tuổi đã sinh con.

Vừa ở cữ, chăm con… lại chăm cháu mới sinh

Câu chuyện của chị Trương Thanh Vui (33 tuổi, phường Hiệp Thành, Q.12, TPHCM) vừa sinh con mới được 2 tháng đã phải gượng dậy vào chăm con sinh cháu trong bệnh viện. Người mẹ trẻ chưa hết cữ sinh, phải vừa chăm con nhỏ, con mới làm mẹ, chăm cháu ngoại và lo toan cho 7 miệng ăn của cả gia đình. Nỗi vất vả của người bà này thật không có gì tả được!

Còn chị N.T.M, 38 tuổi (Mỹ Đình, Hà Nội) suy sụp hoàn toàn khi đứa con gái duy nhất trong nhà chị hết mực thương yêu mang thai quá to không thể phá bỏ cùng người bạn trai trong trường nội trú.

Suy nghĩ nhiều về chuyện của con khiến chị sụt gần 10kg, tóc đang xanh bỗng lốm đốm bạc. Dù hai bên gia đình thống nhất thông báo họ hàng để cho đôi trẻ về sống với nhau chờ đủ tuổi mới kết hôn nhưng chị cũng không dám đối mặt giãi bày tâm sự với bà con, bạn bè.

Lựa chọn làm mẹ hay phá thai ở trẻ vị thành niên đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý lâu dài của trẻ. Thậm chí, ở độ tuổi lớn hơn, sau sinh con ngoài ý muốn, bạn trẻ dễ rơi vào "hố sâu" trầm cảm, tìm đến con đường tự tử để giải thoát.

Chị M. chia sẻ: “Cả hai đứa trẻ đã làm cha, làm mẹ nhưng từ bé đã được nuông chiều, cơm bưng, nước rót nên giờ tính trẻ con vẫn chưa buông bỏ. Vừa đi làm, tôi vừa chăm lo cho sức khỏe của con gái, vừa phục vụ thêm con rể… và điều khiến tôi “điên” nhất là chúng vẫn ham chơi, ham vui không chịu nghe lời. Ai dè sinh con non tháng, đứa trẻ nằm trong lồng ấp, ông bà vất vả lo toan vừa chăm con mới sinh ở nhà vừa đến viện chăm cháu nhưng không đứa nào để tâm, suốt ngày dằn dỗi, cáu gắt, không kiêng cữ suốt ngày chat chit trên mạng”...

Khổ cực vất vả bao nhiêu cũng không ngại nhưng mệt mỏi nhất là về tinh thần. Xấu hổ, ngượng ngùng cũng qua đi nhưng hàng ngày đối mặt với tính khí khó ở, tinh thần bất ổn của “mẹ trẻ con”, chị lại lo động viên, chăm sóc, giúp con vượt qua những sang chấn cả về thể xác và tinh thần. Bác sĩ bảo con có nguy cơ trầm cảm, tự sát… nên chị phải lo trông chừng cả ngày đêm, chị M. cho biết thêm.

Đắng lòng bà ngoại “bất đắc dĩ” tuổi 30 ảnh 1

Đắng lòng bà ngoại “bất đắc dĩ” tuổi 30

Cùng con giải quyết “sự đã rồi”

Theo BSCKI Dương Kim Ngân, Trưởng khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản - Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, hiện nay trẻ vị thành niên mang thai là một vấn đề xã hội cần được quan tâm vì thực tế đa số các trường hợp này đều xảy ra ngoài ý muốn và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Theo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021, tỉ lệ phá thai cao nhất ở nhóm phụ nữ từ 25-29 tuổi (9 lần/1.000 phụ nữ), tiếp theo là nhóm từ 20-24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ), rồi đến nhóm từ 30-39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ). Nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi có tỉ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ.

Theo số liệu báo cáo từ Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, trong năm 2020, số sản phụ sinh con ở tuổi vị thành niên là 775, bỏ thai là 23 ca. Trẻ làm mẹ khi còn ngồi trên ghế nhà trường kéo theo nhiều nguy cơ về sức khỏe và gánh nặng về kinh tế - xã hội thông qua những tác động trước mắt và lâu dài đến cha mẹ và con cái của họ.

Thiếu sự chăm sóc trước sinh, trẻ có nguy cơ bất thường cao, nguy cơ sinh non, em bé nhẹ cân, suy dinh dưỡng… Đặc biệt người mẹ dễ bị trầm cảm khi mang thai và sau sinh. Đây là nguyên nhân dẫn đến những hành động đáng tiếc như tự tử, bỏ con sau sinh…

BS Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản TƯ cho biết, phần lớn trẻ vị thành niên phát hiện mang thai khi thai đã to. Vì xấu hổ, trẻ có xu hướng lựa chọn những cơ sở chui để chấm dứt thai kỳ, trong khi dụng cụ, việc vệ sinh, vô khuẩn … ở đây không bảo đảm, trẻ có thể đối mặt nguy cơ chảy máu nhiều, dẫn đến mất máu nhiễm trùng, viêm nhiễm, sốc nhiễm trùng… Đặc biệt khi thai đã to, việc phá thai có thể phải thực hiện nhiều lần, dẫn đến nguy cơ tai biến lâu dài về sức khỏe sinh sản như: tổn thương buồng trứng, tắc vòi trứng, khó có cơ hội mang thai trong tương lai.

Trước thực tế nhiều trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn, BS Thành cho rằng, trẻ cần thông báo ngay với cha mẹ, bạn trai để có hướng giải quyết. Nếu quyết định bỏ thai, thì thực hiện càng sớm càng tốt, qua tuần thứ 12 thì không thể chấm dứt được thai kỳ. Phụ huynh cũng chuẩn bị tinh thần này, ở bên cạnh trẻ, gánh vác thay trẻ, hỗ trợ con chứ không mắng chửi con vì chuyện đã xảy ra rồi.

“Khi có con trong độ tuổi vị thành niên, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn; dành thời gian trò chuyện, tâm sự với con, cho con cái những định hướng đúng đắn về tình cảm, trang bị cho con những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính giúp các con có kiến thức và nhận thức đúng đắn tránh được những sai lầm không đáng có”, BSCKI Dương Kim Ngân nói.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP