Bình luận

Đăng ký thi đua gây ra bệnh thành tích

Theo TS Đinh Đoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), việc học sinh nào cuối năm cũng có giấy khen không phải là việc đáng lên án bởi động viên trẻ luôn cần thiết, và giấy khen thì có nhiều nội dung khác nhau. Cái đáng lên án chính là căn bệnh thành tích. Đăng ký năm nay lớp đạt 98% học sinh giỏi thì cuối năm kiểu gì cũng phải đạt và vượt, dù có cháu không đạt cũng cho đạt.

Ai chẳng mong đạt, xuất sắc

Có một thực tế diễn ra từ nhiều năm nay là sau khi tổng kết năm học, phần đông học sinh khấp khởi mừng, vì nếu không đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc, thì cũng giấy khen học sinh tiên tiến. Tình trạng khen thưởng đại trà, tràn lan, “mưa danh hiệu” đã nói đến nhiều nhưng không giảm. Có người bảo đó là lỗi của thầy cô. Thầy cô thích thành tích đến mức bị “bệnh”, chạy đua giữa các trường với nhau. Là một người làm giáo dục, ông nghĩ sao về điều này?

Thực ra tôi chẳng nghĩ gì cả. Việc đánh giá, xếp loại là bình thường, ở đâu cũng thế. Cơ quan, tổ chức nào cuối năm chẳng bình xét thi đua. Có người giỏi, người chưa giỏi, người đạt và người không đạt. Nhưng cán bộ công chức nào cuối năm chẳng hoàn thành nhiệm vụ.

Cán bộ công đoàn, đảng viên, đoàn viên… cũng đều bình xét thi đua và cũng đều có khen thưởng. Thậm chí họ còn phải họp lên họp xuống, mấy ngày mới bình bầu xong. Còn trẻ con, cháu nào cũng có nhu cầu được khen, được động viên cả. Việc phát giấy khen cho các cháu là bình thường.

Giấy khen như thế, để làm gì?

Đó là nhu cầu của tất cả mọi người. Phụ huynh mong con có giấy khen để hãnh diện. Cơ quan nào chẳng nhắc nhở các phụ huynh nộp giấy khen của con để có phần thưởng. Thậm chí cơ nơi nếu nhà có hai con đạt loại giỏi thì còn được đi nghỉ mát cả nhà. Giấy khen ở góc độ nào đó nó gắn với lợi ích vật chất.

Nó là nhu cầu vật chất và tinh thần của ai đó. Rõ ràng, nó đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Nếu bây giờ ai cũng đồng ý nhất trí giấy khen không có ý nghĩa gì nữa, thì chắc nhà trường cũng không phát nữa.

Nhưng việc khen thưởng không đúng với thực chất thì lại gây phản cảm, phản tác dụng?

Chính bố mẹ các cháu cũng phải quay cuồng với việc bình chọn, đánh giá, xếp loại ở cơ quan vào mỗi dịp cuối năm. Cả xã hội trong cái guồng đánh giá, xếp loại thì giáo dục cũng như thế. Chỉ có điều chẳng hiểu sao người ta cứ lên án giáo viên, chắc có lẽ bởi họ ít khi phản ứng lại. Và giáo dục thì động đến mọi nhà, nên mới thế.

Nhưng không thể nói vì người lớn cũng thích được khen để bao biện cho việc loạn khen thưởng trong nhà trường?

Tôi đang nói đến bối cảnh chung của xã hội. Có nhiều gia đình, đùng cái ông trưởng khu nhét vào cửa cái giấy chứng nhận gia đình văn hóa. Mà nào có biết người ta đánh giá lúc nào, công nhận lúc nào.

Tâm lý chung của mọi người, được khen đương nhiên thích?

Đúng là được khen thì rất thích, nhưng phải là khen đúng. Còn nếu khen để ve vuốt nhau, để làm đẹp số liệu, dối trá nhau… thì đó là bệnh thành tích đáng bị lên án.

Giấy khen có nhiều loại

Liệu có phải vì ông cũng là nhà giáo, nên ông có cái nhìn khác mọi người?

Tôi nhìn nhận đúng về bản chất sự việc. Không phải cứ nhìn thấy học sinh nào cũng có giấy khen là nghĩ trường đó bị bệnh thành tích, hay lạm phát giấy khen, mưa phần thưởng…. Giấy khen có rất nhiều loại, phải đọc kỹ thì mới biết học sinh đó được khen gì. Ngoài việc học sinh đạt loại xuất sắc, giỏi, tiên tiến thì giấy khen còn có nội dung khen từng mặt. Nghĩa là em học sinh nào cũng có một vài điểm mạnh nào đó. Khen thưởng điểm mạnh ấy của các cháu, để động viên, khuyến khích, là hoàn toàn cần thiết.

Nghĩa là học sinh dù có học kém cũng có thể có giấy khen?

Đúng thế, em đó học kém ngoại ngữ, nhưng lại rất năng nổ thể thao, văn nghệ, giao tiếp tốt, thân tình với các bạn… Thế thì cũng phải khen em ấy chứ. Việc động viên từng mặt học sinh là triết lý giáo dục nhân văn, có tác dụng rất tốt với trẻ nhỏ. Do đó, có khi cháu học trung bình cũng có giấy khen.

Khen đây là động viên?

Tôi có xem học bạ của học trò ở những nước có nền giáo dục phát triển. Cháu nào cũng được khen, được khuyến khích dù có học lực như thế nào. Vì cháu nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Con người ta không ai là xấu hết cả, cũng không ai chỉ kém cỏi. Việc khen như thế vừa để giúp trẻ tự tin, phát huy điểm mạnh, vừa giúp phụ huynh nhìn thấy rõ điểm được và hạn chế của con mình.

Ông nghĩ sao về việc khen thưởng không đúng thực chất?

Khen thưởng đúng là rất cần thiết. Quyển lý lịch nào chẳng có mục khen thưởng, như một ghi dấu những thành tích mà con người đạt được. Còn việc không đáng mà vẫn khen, cố cho đạt được để khen thì lại rất đáng lên án. Đó là bệnh thành tích, chưa đạt bảo là đạt, chưa giỏi bảo là giỏi. Điều này mới cần phải lên án và chấn chỉnh.

Đăng ký thi đua

Nói về bệnh thành tích, có lẽ nó cũng không hiếm trong các nhà trường?

Việc chạy theo thành tích rõ ràng là hành vi lệch lạc. Em không giỏi cũng khen em giỏi là không ổn. Ngày xưa đi học, mỗi lớp chỉ có 1-2 người có giấy khen, những học sinh khác không có cơ hội cầm đến tờ giấy khen thì nay chúng ta đã khắc phục được điều này để động viên các cháu. Nhưng nếu chỉ chạy theo thành tích thì không được. Đáng buồn rằng đúng là điều này không hiếm trong các nhà trường.

Ông có nghĩ đến lý do xuất phát của căn bệnh ấy?

Tôi nói điều này. Đầu năm học nào, nhà trường cũng phải đăng ký thi đua với Phòng giáo dục. Rồi phòng báo cáo lên sở, sở báo cáo lên bộ. Các trường phải đăng ký từ đầu năm học là năm nay sẽ đạt tỉ lệ học sinh giỏi bao nhiêu, khá bao nhiêu, trung bình, yếu kém bao nhiêu… Nếu nhà trường không đăng ký mà cuối năm đạt thành tích cao thì cũng không được khen thưởng. Thế là đã đăng ký rồi thì kiểu gì cũng phải đạt được.

Nếu không đạt được thì sao?

Thì phải “luồn lách” cho bằng được chứ sao. Để rồi cuối năm học lại ngồi viết báo cáo đạt thành tích bao nhiêu, vượt mức đăng ký như thế nào. Đây là bất cập của ngành giáo dục. Đáng lẽ cứ để các trường dạy và học bình thường, đến cuối năm kết quả như thế nào thì báo cáo lên như thế. Nhưng đây lại phải đăng ký ngay từ đầu năm học, không đăng ký thì dù có đạt thành tích cao cũng không được công nhận.

Bệnh thành tích là từ đây?

Đúng thế. Từ đó mới nảy sinh việc phải làm sao để đạt được tỉ lệ như đã đăng ký, mới làm nảy sinh bệnh thành tích. Muốn khắc phục điều này thì có lẽ phải thay đổi lại quy định về đăng ký thi đua ở các trường.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Chiều 29/5, tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng “lạm phát” giấy khen cuối kỳ cho học sinh tiểu học. “Em nào cũng có giấy khen, ví dụ như học tốt môn toán, môn văn… Có tình trạng lạm phát giấy khen hay không”, phóng viên đặt vấn đề.  Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, việc khen thưởng đối với học sinh tiểu học hiện làm theo quy định tại điều 16 Thông tư 22 ngày 22/9/2016. Theo đó, quy định rất rõ về các trường hợp khen thưởng cho học sinh vào cuối năm học.

Cụ thể, theo đại diện Sở GDĐT, đối tượng được khen thưởng là học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện, kết quả đánh giá các môn học. Tiêu chí để được khen thưởng cũng rất rõ ràng như các phẩm chất, năng lực phải được đánh giá tốt, các bài kiểm tra cuối năm phải được đánh giá từ 9 điểm trở lên. Các học sinh có thành tích vượt trội hoặc tiến bộ vượt bậc ít nhất về một môn học hoặc một phẩm chất nào đó.

Ngoài ra, cũng có những khen thưởng cho những học sinh có thành tích đột xuất trong năm học, có thể diễn ra vào giữa năm, cuối năm… tùy thuộc vào thời điểm có thành tích đó. Một đối tượng nữa được khen thưởng là những học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét và đề nghị cấp trên khen thưởng.

Tô Hội (thực hiện)

Từ Khoá

BẢN DESKTOP