Thời sự

Đang khỏe mạnh bỗng khó thở và ngừng tim, vì sao?

  • Tác giả : Thúy Nga
Bệnh viện đa khoa Hùng vương Phú Thọ vừa thực hiện 3 phút ép tim cấp cứu thành công bệnh nhân ngừng tuần hoàn do suy hô hấp. Vậy tại sao bỗng dưng suy hô hấp, ngừng tuần hoàn.

Ngủ dậy thấy khó thở, ngừng tuần hoàn

Nam bệnh nhân 56 tuổi vào viện trong tình trạng khó thở, theo người nhà bệnh nhân kể lại: bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường, đến khoảng 0h ngày 23/2 bệnh nhân đang ngủ thì tỉnh giấc kêu mệt, khó thở, gia đình đưa bệnh nhân vào trạm y tế gần nhà và được dùng thuốc Amlodipin, methylprednisolon. Sau đó bệnh nhân khó thở nhiều hơn, ý thức chậm dần, gia đình đã gọi trung tâm cấp cứu 115 Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đến đón.

Khi vào viện bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, thở ngáp, không bắt được mạch cảnh. Khoảng vài phút sau bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn, nhanh chóng các bác sĩ đã xử trí đặt ống nội khí quản, ép tim, báo động đỏ toàn bệnh viện...sau 3p cấp cứu ép tim bệnh nhân có mạch trở lại, được duy trì an thần, nitroglycerin. Sau cấp cứu các chỉ số sinh sinh tồn của bệnh nhân ổn định.

Hiện tại sau 4 ngày điều trị bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản và được theo dõi sát tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện.

Đang khỏe mạnh bỗng khó thở và ngừng tim, vì sao? ảnh 1

Đang khỏe mạnh bỗng khó thở và ngừng tim, vì sao?

Các chuyên gia cho biết, ngừng tuần hoàn là trạng thái ngừng tim đột ngột, ngừng cung cấp máu cho cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, phổi,...

Có 3 trạng thái ngừng tuần hoàn là vô tâm thu, rung thất và phân ly điện cơ. Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra khi nạn nhân bị điện giật, đuối nước, đa chấn thương, sốc phản vệ,... hoặc là hậu quả cuối cùng của một bệnh lý mạn tính giai đoạn cuối như xơ gan, suy tim, suy thận, ung thư,...

Ngừng tuần hoàn là tình trạng cấp cứu cực kỳ nghiêm trọng. Khi đó, tim không co bóp được dẫn đến không cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt để lại di chứng nặng nề như tổn thương não vĩnh viễn, tổn thương mạch vành, phổi…

Trong điều kiện nhanh nhất có thể, cần cấp cứu ngừng hô hấp và tuần hoàn để cung cấp máu mang oxy đến cho tế bào não, đặc biệt là trong vòng 5 phút đầu kể từ thời điểm ngừng tim. Việc cấp cứu ngừng tuần hoàn cần tiến hành tại chỗ, thực hiện ngay và đúng kỹ thuật.

Nguyên nhân ngừng tuần hoàn

Có nhiều nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn:

Nguyên nhân do tim: Mắc bệnh thiếu máu cơ tim, tắc mạch vành cấp, các bệnh cơ tim, viêm cơ tim, chấn thương tim chèn ép tim cấp hoặc kích thích trực tiếp vào tim;

Nguyên nhân tuần hoàn: Tắc mạch phổi, thiếu khối lượng tuần hoàn cấp và cơ chế phản xạ dây phế vị;

Nguyên nhân hô hấp: Do tràn khí màng phổi nặng, thiếu oxy cấp gây vô tâm thu (do dị vật, tắc đường thở), ưu thán (thừa CO2);

Nguyên nhân rối loạn chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa kali, tăng catecholamin cấp, tăng canxi máu cấp, hạ thân nhiệt;

Nguyên nhân do thuốc, nhiễm độc: Tác động trực tiếp của thuốc gây ngừng tim, tác dụng phụ của thuốc;

Nguyên nhân khác: Điện giật, đuối nước,...

Người bệnh được chẩn đoán ngừng hô hấp và tuần hoàn dựa trên các triệu chứng cơ bản:

Mất ý thức: Bệnh nhân khi được hỏi không có đáp ứng trả lời, không có phản xạ thức tỉnh;

Ngừng thở hoặc thở ngáp: Xác định khi lồng ngực và bụng bệnh nhân không có cử động thở;

Ngừng tim: Mất mạch cảnh hoặc mất mạch bẹn;

Triệu chứng khác: Da nhợt nhạt hoặc tím tái, giãn đồng tử hoặc mất phản xạ đồng tử với ánh sáng. Nếu bệnh nhân đang được phẫu thuật sẽ thấy máu ở vết mổ tím đen và ngừng chảy. Nếu bệnh nhân đang thở máy, hôn mê thì monitor tim sẽ báo động và SpO2 giảm đột ngột.

Ngừng tim là dấu hiệu người bệnh đang ngừng hô hấp và tuần hoàn.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP