Trong nước

Dân “sốc” với điều chỉnh giá đất Hà Nội tăng gấp 2 - 6 lần

  • Tác giả : Bình Nguyên/TT&CS
Bảng giá đất mới từ 20/12/2024 khiến nhiều người dân "dở khóc dở cười" khi phải đóng hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng để được chuyển đổi từ đất vườn sang đất ở.
Giá đất tăng, có nhiều thay đổi tích cực với thị trường bất động sản

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 71 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 30 năm 2019, với bảng giá đất điều chỉnh được áp dụng đến hết năm 2025. Theo đó, giá đất được điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với bảng giá đất cũ đang gây nhiều tranh luận.

So với bảng giá đất cũ, bảng giá đất điều chỉnh tại Quyết định số 71 ngày 20/12/2024 của UBND thành phố Hà Nội có mức tăng đáng kể, dao động từ 2 đến 6 lần.

Cụ thể, giá đất cao nhất thuộc quận Hoàn Kiếm lên tới 695,3 triệu đồng/m². Mức giá này áp dụng cho đất ở vị trí 1 tại các tuyến phố, như: Lê Thái Tổ, Hàng Ngang, Hàng Đào, cao gấp 3,7 lần bảng giá cũ (187,9 triệu đồng/m²).

Quận Ba Đình, giá đất cao nhất thuộc đường Phan Đình Phùng, đạt 450,8 triệu đồng/m², gấp 3,4 lần so với bảng giá cũ. Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, giá đất cao nhất ghi nhận tại đường Phố Huế (đoạn Nguyễn Du - Nguyễn Công Trứ) và Nguyễn Du (đoạn Quang Trung - Trần Bình Trọng) với giá 368 triệu đồng/m², tăng gần 3,5 lần.

Tại Quận Tây Hồ, đường Văn Cao có giá cao nhất là hơn 256 triệu đồng/m², tăng gần 3,3 lần so với bảng giá cũ.

Ngoài ra, bảng giá đất mới cũng ghi nhận sự điều chỉnh mạnh mẽ giá đất ngoại thành Hà Nội. Tuyến đường quan trọng ở các huyện ven đô đều tăng đáng kể, nhiều nơi có giá từ hơn 30 triệu đồng đến gần 70 triệu đồng/m2...

Dan “soc” voi dieu chinh gia dat Ha Noi tang gap 2 - 6 lan
Ảnh minh hoạ/ Nguồn KTĐT
Chia sẻ trên diễn đàn của các nhà quản trị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest cảnh báo, giá đất tăng cao đang tạo ra trở ngại lớn cho doanh nghiệp bất động sản với mối lo ngại không bán được hàng. Bởi, khi giá nhà vượt quá khả năng chi trả của người dân, thanh khoản sẽ đóng băng, đẩy các doanh nghiệp đến nguy cơ sụp đổ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chuyên viên phòng Kinh doanh, Công ty Bất động sản Thanh Bình cho rằng, quy định mới về bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, minh bạch hơn; cũng như tạo ra sự bình đẳng, công khai minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia giao dịch đất đai.
Tuy nhiên, bên cạnh các tác động có tính tích cực nêu trên, việc điều chỉnh bảng giá đất có tác động đến nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của một số người dân trên địa bàn thành phố, tạo gánh nặng tiền sử dụng đất với người dân.
“Sốc” khi đóng tiền sử dụng đất tăng vọt theo bảng giá mới
Chia sẻ trên VietTimes, anh Phạm Văn Bình (xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, ngày 30/12/2024 đã đóng tiền sử dụng đất cho Nhà nước với số tiền 834 triệu đồng để chuyển đổi một lô đất vườn sang đất ở. Nếu thời gian nhận quyết định hoàn thành hồ sơ ra trước ngày 15/11/2024 thì gia đình tôi chỉ cần đóng 350 triệu đồng, nhưng chúng tôi nhận được quyết định sau ngày này và áp dụng theo bảng giá đất mới nên phải đóng gấp 2,38 lần.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Thu (Long Biên, Hà Nội) có hơn 1.400 m2 đất từ năm 1970, sổ đỏ được cấp vào năm 2003 nhưng chỉ có 300 m2 là đất ở, còn lại 1.100 m2 đất vườn. Nếu giờ đây bà chia đất cho các con mỗi người một mảnh để làm nhà thì mỗi m2 chuyển từ đất vườn sang đất ở phải đóng khoảng 15 triệu đồng/m2, dự kiến khoảng 15 tỷ đồng.
Không chỉ người dân mà các nhà đầu tư đang “ôm” đất nông nghiệp tại các vùng ven Hà Nội cũng đang lo lắng vì đến nay vẫn chưa lên thổ cư.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, bảng giá đất Hà Nội công bố cao gấp 2-6 lần so với bảng giá cũ, do đó việc mua bán chuyển nhượng, chuyển đổi sang đất ở đang gặp khó khăn. Nhiều người dân muốn chuyển đổi từ đất vườn sang đất ở để chia cho con cái nhưng không đủ điều kiện kinh tế.

Ông Điệp nhìn nhận bảng giá đất mới sẽ thuận lợi với cơ quan quản lý Nhà nước khi có căn cứ để định giá, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc mua bán. Ngược lại, với đại đa số gia đình trong giai đoạn chuyển đổi từ thế hệ F1 sang F2, F3 lại gặp khó, vì mức chuyển đổi theo khung giá quá cao.
Ông cho rằng để "giảm sốc" với người dân đóng tiền sử dụng đất để xây nhà, làm giấy chủ quyền nhà đất, Nhà nước cần xem xét có cơ chế miễn, giảm phù hợp. Theo đó, với người dân chuyển mục đích sử dụng đất có thể chỉ thu 50% thuế sử dụng đất đối với đất trong hạn mức, ngoài hạn mức thu 100%.
Bình Nguyên/TT&CS

BẢN DESKTOP