Đó là thông tin các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) chủ trì, phối hợp cùng Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá Gia đình (Bộ Y tế) và Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 10/11/2023.
Hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” |
23 quốc gia dân số giảm hơn 1 nửa
Tỷ suất sinh của nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã giảm mạnh trong 70 năm qua. Điều này đã có tác động không chỉ đến quy mô dân số của các quốc gia này, mà còn ảnh hưởng đến cơ cấu dân số. Hiện, Hàn Quốc có tổng tỷ suất sinh (TFR) thấp nhất thế giới, ở mức 0,8, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế là 2,1.
Singapore và Nhật Bản ở mức 1,1 và 1,3. Với mức sinh giảm, tuổi thọ tăng, người cao tuổi (trên 60 tuổi) trong khu vực dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2010 - 2050.
Tại Việt Nam, từ năm 2006 đến nay, tỷ suất sinh đã đạt mức sinh thay thế, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) có 2,1 con.
Một nghiên cứu quốc tế công bố năm 2020 dự báo, 23 quốc gia sẽ chứng kiến dân số giảm hơn một nửa vào 2100. Trong đó, dân số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100, nếu không có các giải pháp can thiệp nâng mức sinh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội Thảo |
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trên thế giới, mức sinh ở hầu hết các châu lục đều liên tục giảm và giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế.
Dự báo tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau năm 2055, ảnh hưởng đến phát triển không bền vững về con người, một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.
Tỷ suất sinh giảm mạnh và gia tăng tỷ lệ vô sinh
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì cho đến nay. Nước ta cũng đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, dù duy trì mức sinh thay thế nhưng hiện nay Việt Nam đang đối mặt về sự chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành phố.
Bên cạnh 33 tỉnh có mức sinh cao thì có 21, tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số địa phương có mức sinh đã rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.
Các tỉnh có mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững cho đất nước.
“Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long – nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh quốc gia về lương thực”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thông tin.
ThS.BS. Mai Trung Sơn phát biểu |
ThS.BS. Mai Trung Sơn, Chuyên viên Cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, hiện dân số cả nước đã vượt quy mô 100 triệu người. Song mức sinh đang giảm so với giai đoạn trước, cơ cấu dân số trẻ đang bắt đầu chuyển sang già hóa.
Năm 2019, nếu như cứ 2 trẻ em thì có 1 người cao tuổi, thì dự báo đến năm 2069 cứ 2 đứa trẻ sẽ có 3 người trên 60 tuổi. “Đây là bức tranh của Việt Nam trong 50 năm tới. Như vậy, chúng ta sẽ phải đối diện với hai câu chuyện tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội, đó là mức sinh thấp và dân số già”, ông Sơn thông tin.
Cũng đề cập đến sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, ông Sơn cho biết, mức sinh thấp chủ yếu nằm ở các tỉnh phía Nam. Qua 4 lần tổng điều tra tại các vùng kinh tế - xã hội cho thấy, hầu hết xu hướng mức sinh đều giảm, thậm chí vùng Đông Nam Bộ còn giảm sâu, tức là năm 1999 vùng này vẫn còn tỷ lệ một phụ nữ sinh 2,9 con thì hiện nay xuống rất thấp, chỉ còn 1,56 con.
Đơn cử, tại TP HCM năm 2022, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,39 con/người. Mức sinh này tiếp tục giảm so với các năm trước đó như năm 2021 là 1,48 và năm 2020 là 1,53.
Các chuyên gia cho rằng, nếu mức sinh thấp dưới 1,3 con thì hầu như không có khả năng khôi phục về mức sinh thay thế.
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam |
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam lo ngại mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, với tỉ lệ khoảng 7,7% dân số. Trong số này, khoảng 50% là các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau 1 lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Đề xuất chính sách khuyến khích sinh con
Theo các chuyên gia về dân số, mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời, tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Đặc biệt lo ngại, tình trạng già hóa dân số của Việt Nam diễn ra quá nhanh. Pháp và Việt Nam có tỷ lệ sinh tương đương nhau – nhưng với Việt Nam, vài thập kỷ gần đây diễn biến mạnh mẽ hơn nhiều, với tỉ lệ sinh giảm từ 6,5 con/phụ nữ trong những năm 1960 xuống còn 2,05 vào năm 2020.
Cơ cấu tuổi tác của Việt Nam cũng đang thay đổi nhanh chóng. Mất 115 năm để Pháp chuyển từ trạng thái 'xã hội đang già hóa' (7-14% số người từ 65 tuổi trở lên) sang trạng thái 'xã hội già hóa' (14-21% số người từ 65 tuổi trở lên). Việt Nam sẽ chỉ trải qua quá trình này chỉ trong 19 năm.
Nhật Bản hiện là xã hội già nhất thế giới: 29,1% dân số trên 65 tuổi; hơn 15% trên 75 tuổi và 10% trên 80 tuổi. Vào tháng 1, Thủ tướng Kishida tuyên bố: Nhật Bản đang ở trên bờ vực không thể hoạt động như một xã hội vì tỷ lệ sinh giảm.
Để giải quyết các vấn đề này, ông ThS.BS. Mai Trung Sơn cho rằng, mục tiêu là cần giảm 50% chênh lệch mức sinh thay thế giữa thành thị và nông thôn, miền núi và đồng bằng; tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng và đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở nơi đã đạt được mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở nơi có mức sinh thấp…
TS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế |
TS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế nhấn mạnh, Việt Nam đối mặt với vấn đề "già trước khi giàu" khiến nước ta chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già, dẫn tới hệ lụy về kinh tế xã hội khi dân số già hóa nhanh chóng cũng cao hơn.
TS Hà Anh Đức thông tin về Fertility Counts - dự án toàn cầu với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, khu vực tư nhân và khu vực công, xem xét các tác động về kinh tế và xã hội của mức sinh đang suy giảm và đưa ra các giải pháp.
Dự án đề xuất các chính sách ngăn đà giảm sinh mà các quốc gia nên xem xét thực hiện, như chăm sóc trẻ em, nơi làm việc, ưu đãi tài chính, hỗ trợ sinh sản.
" Phải có giải pháp để "kích sinh" ngay từ bây giờ, nhất là tại các tỉnh Đông Nam Bộ. Đồng thời, sớm sửa đổi, bãi bỏ các quy định liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, cũng như bãi bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh từ con thứ 3" - GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân)