Y học và đời sống

Dẫn lưu não thất ổ bụng trị hôn mê do giãn não

Bằng việc đặt ống thông từ não đưa xuống ổ bụng để dẫn lưu sự ứ thừa dịch não tủy sau chấn thương sẽ giúp bệnh nhân (BN) bị giãn não thất hôn mê, liệt, động kinh,…phục hồi.

Hôn mê, sống thực vật

Anh Nguyễn Văn H., 45 tuổi (Bắc Giang), sau phẫu thuật sọ não do tai nạn giao thông anh ngày càng yếu, liệt ½ người, tiểu tiện không tự chủ, đau đầu, thường có những cơn động kinh, nôn nhiều. Khi đi cấp cứu anh đã trong tình trạng hôn mê. Kết quả chiếu chụp cho thấy anh bị giãn não thất mạn tính, nhiều dịch não tủy tràn trong não. Anh được chỉ định phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất ổ bụng. Kết quả sau 3 tháng anh phục hồi tốt, hết đau đầu và động kinh…

BS Phạm Văn Bính, khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện E cho biết, chấn thương sọ não chiếm tỷ lệ lớn trong các trường hợp chấn thương, thường để lại những biến chứng, di chứng rất nặng nề. Một trong những biến chứng đó là não úng thủy. Não úng thủy thường là hậu quả của tổn thương giập não, chảy máu dưới màng nhện, chảy máu não thất gây giãn não thất.

Giãn não thất có thể xuất hiện ở giai đoạn cấp tính trong vòng 3 ngày sau chấn thương (thể cấp tính) biểu hiện bằng hội chứng tăng áp lực nội sọ. Nguyên nhân do tắc nghẽn đường lưu thông dịch não tủy. Thể mạn tính xuất hiện ở giai đoạn sau khi áp lực nội sọ đã trở lại bình thường, trong thường hợp này thường là giãn não thất thể thông hay gọi là não úng thủy thể thông. Bệnh thường xuất hiện sau khoảng thời gian 1–3 tháng sau chấn thương sọ não. Tỷ lệ giãn não thất thường từ 29 – 72%, tùy theo mức độ nặng của chấn thương và các tiêu chuẩn dùng để chẩn đoán não úng thủy.

Biểu hiện của bệnh thường là: đau đầu, chóng mặt nôn; Rối loạn ý thức tiến triển: ngủ gà, lơ mơ, hôn mê; Tam chứng Hakim: dáng đi bất thường, tiểu không tự chủ, mất trí nhớ; Động kinh, liệt nửa người; Phồng to vùng khuyết sọ; Mờ mắt, phù gai thị; Rối loạn trí nhớ…

Ca dẫn lưu não tại Bệnh viện E

Kỹ thuật khó nhưng hiệu quả tốt

Theo BS Phạm Văn Bính, dẫn lưu não thất ổ bụng là phẫu thuật nhằm giảm hiện tượng tăng áp lực trong sọ gây nên do sự ứ thừa dịch não tuỷ trong hệ thống não thất. Bình thường, dịch não tuỷ được sinh ra tại đám rối mạch mạc trong hệ thống não thất và được tái hấp thu ở khoang dưới nhện. Hiện tượng não úng thủy xảy ra khi tốc độ tái hấp thu chậm hơn so với sản xuất dịch não tuỷ (não úng thuỷ thể thông) hoặc bị tắc nghẽn trên đường lưu thông dịch não tuỷ (não úng thủy thể tắc nghẽn). Dẫn lưu não thất ổ bụng cần được thực hiện càng sớm càng tốt sau khi người bệnh được chẩn đoán là não úng thuỷ.

Đây là một kỹ thuật khó. Các bác sĩ sẽ phải phẫu thuật ở cả trên đầu và dưới bụng (mở phúc mạc) để luồn dẫn lưu dưới da đầu – cổ – ngực – bụng. Khoan sọ mở màng cứng để chọc catheter vào não thất và nối catheter vào dây dẫn lưu…Phẫu thuật có thể bị tai biến: nhiễm khuẩn (nhiễm trùng vết mổ, viêm màng não, viêm não thất, viêm phúc mạc); Tắc dẫn lưu; chảy máu trong não hoặc trong não thất; biến chứng tiêu hóa (tắc ruột, nang dịch trong phúc mạc, thủng các tạng…)…

Tuy nhiên, phương pháp này mang lại hiệu quả rất lớn cho BN, không chỉ tình trạng thần kinh của BN được cải thiện rõ rệt mà có người còn phục hồi hoàn toàn. Tại bệnh viện E đã phẫu thuật cho 18 BN, trong đó 17 người đã được phẫu thuật chấn thương sọ não từ trước với tình trạng tri giác thấp, sau đó tiếp tục điều trị và xuất hiện giãn não thất sau mổ từ 1-3 tháng. BN được chỉ định mổ dẫn lưu não thất ổ bụng kèm theo ghép sọ, sau mổ tri giác tốt hơn 1 phần so với lúc vào viện, khi BN vào viện, tình trạng tri giác lơ mơ hoặc hôn mê.

Có 4 BN di chứng nặng sống thực vật do tình trạng trước mổ quá nặng, sau mổ không có sự cải thiện tri giác, tuy nhiên, tốt lên ở chức năng khác như: giảm nôn, tiêu hóa tốt, không phù gai thị, khá hơn về thể trạng. Có 2 BN phục hồi hoàn toàn, 11 BN có di chứng nhẹ (tỉnh táo nhưng yếu nửa người), 4 BN có di chứng nặng (sống thực vật), 2 BN tử vong. 1 BN bị tắc dẫn lưu sau mổ, không có BN nào bị biến chứng chảy máu, tuột ống dẫn lưu, viêm màng não hay viêm phúc mạc…Điều đó cho thấy, phương pháp này có hiệu quả với tỷ lệ biến chứng và tử vong thấp, kết quả phục hồi khá tốt tới 77,8%.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP