Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM - cho hay, việc thay đổi ngày ghi chỉ số điện vào cuối tháng có nhiều mục tiêu. Đầu tiên là thay đổi việc ghi công tơ đo đếm bằng phương pháp thủ công vốn đã lỗi thời, dễ xảy ra sai sót, chậm trễ. Thứ hai, với phương thức mới, từ dữ liệu công tơ gửi về, điện lực có thể biết được tình trạng mất điện và cả quá trình vận hành của lưới điện để chủ động phục vụ khách hàng tốt hơn. Thứ ba, việc chuyển ngày ghi điện về cuối tháng để tập trung tính toán, vừa thuận lợi cho cả điện lực lẫn khách hàng.
Ông Kiên cũng khẳng định, không có chuyện ngành điện vẫn dùng định mức cũ khiến khách hàng bị cộng dồn tiền điện cao hơn. Bởi thay vì trước đây mỗi tháng 30 ngày, kỳ vừa qua khách hàng dùng 40 - 50 ngày, định mức theo từng bậc thang cũng sẽ tăng lên, tùy theo số ngày tương ứng.
Ông Kiên nói rằng, thời tiết từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8 ở TP HCM nắng nóng, cộng thêm giai đoạn hè các cháu ở nhà dùng điện nhiều hơn, việc tiêu thụ điện của người dân cũng cao hơn.
Ông Phan Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Định, giải thích, với kỳ ghi hóa đơn tiền điện 31 ngày, định mức cho bậc 1 theo quy định là 50 kWh, còn với kỳ ghi tăng lên 52 ngày, định mức bậc 1 sẽ là 84 kWh do số ngày ghi tăng lên, đơn giá không thay đổi. Với các bậc thang còn lại, định mức cũng tăng lên tương ứng.
Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho hay, từ tháng 8, đơn vị này thay đổi kỳ ghi chỉ số điện sang cuối tháng, gửi thông báo đến khách hàng, cũng như các địa phương trước khi triển khai.
Việc thay đổi sẽ áp dụng từng địa bàn, đảm bảo tới năm 2025 có 100% khách hàng chuyển kỳ chốt chỉ số vào ngày cuối tháng. Tuy nhiên, EVNSPC không thay đổi số ngày ghi hóa đơn quá lớn mà sẽ dịch chuyển từ từ, tháng sau cao hơn tháng trước vài ngày để không tác động quá lớn đến tài chính của người tiêu dùng.