Doanh nghiệp

Đắk Lắk: Sắp cưỡng chế 26 căn nhà xây trên đất Cty Việt Thắng

  • Tác giả : Phúc Nguyên - Quý Nguyễn
UBND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ 26 căn nhà xây dựng trái phép trên đất trồng cà phê tại tại buôn Cuôr Kăp, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột.

Ngày 2/12, UBND TP Buôn Ma Thuột đã tổ chức buổi họp báo, thông tin về việc sắp tổ chức cưỡng chế 26 trường hợp xây dựng trái phép trên đất của Công ty TNHH MTV cà phê Việt Thắng (Công ty Việt Thắng) tại buôn Cuôr Kăp, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột.

Theo kế hoạch, việc cưỡng chế bắt đầu từ ngày 6/12 đến khi hoàn thành công tác cưỡng chế. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện cưỡng chế đối với 5 trường hợp vi phạm; sau đó tiếp tục tổ chức cưỡng chế 21 trường hợp vi phạm còn lại.

UBND TP Buôn Ma Thuột tổ chức họp báo về việc cưỡng chế hàng chục hộ dân xây nhà trái phép.UBND TP Buôn Ma Thuột tổ chức họp báo về việc cưỡng chế hàng chục hộ dân xây nhà trái phép.

Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, Công ty Việt Thắng được tỉnh Đắk Lắk cho thuê và quản lý, sử dụng 962,53 ha đất trên địa TP Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin để thực hiện ký hợp đồng giao khoán, liên kết sản xuất cà phê với các hộ dân.

Thời gian gần đây, các hợp đồng giao khoán, liên kết đã hết hạn nhưng các hộ dân không ký lại hợp đồng hoặc ký hợp đồng nhưng không chấp hành nộp sản lượng cho Công ty. Trong khi đó, tình hình xây dựng trái phép trên đất của Công ty ngày càng gia tăng, phức tạp.

Tính đến tháng 10/2022 có 84 trường hợp xây dựng trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích trên đất nông nghiệp thuộc Đội sản xuất số 3 của Công ty Việt Thắng tại buôn Cuôr Kắp. Trong đó, có 26 trường hợp vi phạm từ năm 2020 đến nay đã được UBND xã Hòa Thắng lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo quy định và sẽ bị cưỡng chế trước, các trường hợp vi phạm còn lại đang được rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giám đốc Công ty Việt Thắng trao đổi tại buổi họp báo.Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giám đốc Công ty Việt Thắng trao đổi tại buổi họp báo.

Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, đây là vụ việc rất phức tạp, phạm vi thực hiện rộng, đối tượng vi phạm đông. Khả năng khi tổ chức cưỡng chế có thể sẽ xảy ra trường hợp tập trung đông người, các hộ dân trong buôn chống đối, ngăn cản, gây rối, gây mất trật tự an toàn xã hội, tạo điểm nóng về an ninh trật tự, đưa thông tin, hình ảnh không đúng bản chất, vu khống, xuyên tạc lên các trang mạng điện tử.

Do đó, UBND TP Buôn Ma Thuột đã xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh và ban hành kế hoạch, phương án, các quyết định cưỡng chế đối với 26 trường hợp vi phạm nói trên tại xã Hòa Thắng để tạo sự đồng thuận của người dân, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Trước khi ban hành các quyết định cưỡng chế, UBND TP Buôn Ma Thuột cũng tổ chức đối thoại với các hộ dân vi phạm để tuyên truyền, giải thích. Tuy nhiên, trong buổi đối thoại, người dân đòi trả lại đất và tự ý bỏ về, dẫn đến buổi đối thoại bất thành.

Ông Nguyễn Ngọc Lân, Trưởng Phòng TN-MT TP Buôn Ma Thuột, cho biết, vụ việc trên là nhiệm vụ quan trọng nên đã được lực lượng chức năng cân nhắc từng bước từ thiết lập hồ sơ, đối thoại đến khi ban hành quyết định cưỡng chế.

Theo ông Lân, UBND TP Buôn Ma Thuột đã căn cứ tính chất, mức độ vi phạm và nhiều yếu tố khác để có lộ trình xử lý và thống nhất xử lý 26 trường hợp trước.

Về phần trách nhiệm của các đơn vị liên quan, ông Lê Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, Công ty Việt Thắng chưa làm hết trách nhiệm. Do đó, UBND TP Buôn Ma Thuột đã có kiến nghị để cấp tỉnh có ý kiến gửi Tổng Công ty cà phê Việt Nam xử lý Công ty Việt Thắng.

Đối với chính quyền địa phương, ông Thắng cho biết UBND TP Buôn Ma Thuột đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xử lý kỷ luật khiển trách Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND xã Hòa Thắng và đang xem xét xử lý về mặt Đảng đối với tập thể, cá nhân có liên quan.

Cũng tại buổi họp báo, ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột thông tin thêm, trong số 26 hộ vi phạm sẽ bị cưỡng chế tới đây, đa số bà con đều xây dựng nhằm mục đích phục vụ nhu cầu ở.

Vì vậy, UBND TP Buôn Ma Thuột đã có phương án sơn sửa các trường học, nhà kho, nhà có sẵn trên địa bàn xã Hòa Thắng để thực hiện hỗ trợ đảm bảo an sinh cho những trường hợp không có nhà ở nơi khác.

Ông Hưng trao đổi: “Đất được giao cho Công ty Việt Thắng là đất trồng cà phê, không có quy hoạch nào khác. Khi cưỡng chế xong sẽ đề nghị Công ty Việt Thắng thực hiện theo đúng quy định về mục đích sử dụng đất. Nếu chúng tôi không xử lý cương quyết, dứt điểm ngay mà để dây dưa sẽ càng khó khăn về sau”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Việt Thắng cho biết, từ năm 2011 đến nay, người dân đã hết hợp đồng giao khoán, liên kết nhưng đa số đều không hợp tác nên công ty không thể ký lại hợp đồng.

Trước đó, vào tháng 5-2022, UBND huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) cũng đã cưỡng chế 64 căn nhà trái phép thuộc đất do Công ty Việt Thắng quản lý dọc Quốc lộ 27, thuộc xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin. Hiện nay tại Cư Kuin vẫn còn hàng trăm công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của Công ty cà phê Việt Thắng./.

Phúc Nguyên - Quý Nguyễn

BẢN DESKTOP