Dữ liệu y khoa

Đại tiện ra máu do lỵ amip dễ thủng ruột

  • Tác giả : GS.TS Nguyễn Văn Đề
(khoahocdoisong.vn) - Lỵ amip là một trong các nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng mạn tính. Bệnh khởi phát âm thầm làm cho bệnh nhân không để ý đến dễ lầm lẫn với những rối loạn tiêu hóa thông thường (với tiêu chảy hoặc táo bón). Biến chứng của lỵ amip có thể gây thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, lồng ruột, áp-xe gan, u hạt ở ruột…

Người bệnh mắc phải E.histolytica (amip) do ăn phải các kén sống từ nước, thực phẩm hoặc bàn tay bị vấy phân, phổ biến nhất là ăn những loại rau bị nhiễm phân người do đất, nước nhiễm phân. Nguồn lây ít gặp hơn là truyền qua nước, qua giao hợp đường miệng qua hậu môn và hiếm hoi qua các dụng cụ bơm rửa ruột già.

Khi kén xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, đến ruột non thì vỏ bao sẽ bị dịch tiêu hóa phá vỡ trở thành amip ở dạng hoạt động, ở đây chúng tồn tại vô hại trong ruột phần lớn bệnh nhân. Khoảng 10% số người bị nhiễm amip thì các thể hoạt động này xâm nhập vào niêm mạc ruột gây viêm ruột hoặc đi vào máu tới các cơ quan gây ápxe như gan, phổi, não… nhưng thường gặp bệnh amip đường ruột.

Trong ruột amip có thể chuyển từ thể minita thành thể hoạt động ăn hồng cầu (thể magna) và gây bệnh. Thể ăn hồng cầu gây bệnh có khả năng gây hoại tử tạo những ổ ápxe hình cúc áo ở đại tràng. Tại đây, amip phát triển rất mạnh và chúng có thể chuyển thành thể minuta để đào thải ra ngoài theo phân. Các ổ ápxe bị bội nhiễm và tạo ra các tổn thương, tăng tiết dịch nhầy, tăng co bóp, ăn mòn mạch máu và kích thích đám rối thần kinh. Kết quả gây hội chứng lỵ với phân nhày máu mũi và cơn đau thắt ruột.

Viêm đại tràng do lỵ amip

Viêm đại tràng do lỵ amip

Sau khi điều trị khỏi các ổ ápxe nhỏ thành sẹo làm biến dạng đại tràng, đó là hình ảnh viêm đại tràng co thắt. Ngoài các amip ăn hồng cầu được đào thải theo phân thì có một số dạng vào máu và di chuyển tới gan gây ápxe gan do amip, có khi lên phổi gây ápxe phổi, hiếm hơn có khi amip lên não gây ápxe não do amip. Ở cơ, xương cũng gây nên những tai hại nghiêm trọng.

Biểu hiện bệnh amip cấp ở ruột là đi ngoài ra máu mũi nhiều lần trong ngày (5 – 20 lần) thường không có phân; đau quặn bụng, thể trạng ngày một xấu đi nếu không được điều trị; Sờ thấy thừng ruột, soi trực tràng, đại tràng thấy những vết loét phù chất nhày; X-quang ruột có hình ảnh viêm đại tràng co thắt hình chồng đĩa. Tiến triển của bệnh dễ thành mạn tính nếu không có chữa tích cực.

Tác hại của bệnh lỵ amip ở ruột là gây chảy máu và bội nhiễm vi khuẩn, người bệnh biếng ăn, mất ngủ, dẫn đến giảm sút thể trạng nhanh chóng. Bệnh lỵ amip gây hội chứng lồng ruột hay bán lồng ruột do sẹo các dây chằng làm thắt đại tràng. Bệnh lỵ amíp nặng do amip xâm nhập sâu vào thành ruột có thể gây thủng ruột, u hạt ở ruột….   

Bệnh amip ở ruột hoàn toàn có thể điều trị được bằng thuốc thích hợp. Tỷ lệ tái phát khá cao (35%) sau mỗi đợt điều trị, do đó cần phải được xét nghiệm phân để theo dõi sau điều trị. Thuốc thường được sử dụng là metronidazol, đây là một loại thuốc rất đắng, cần phải uống sau khi ăn no để tránh những cảm giác khó chịu do thuốc như cảm giác đắng miệng khi uống nước, cảm giác chóng mặt nhẹ, buồn nôn… Trong thời gian điều trị tuyệt đối không được uống rượu bia.

Bệnh nhiễm amip lây lan do ăn hoặc uống nước đã nhiễm phải kén. Một người mang ký sinh trùng amip mà chưa có triệu chứng hằng ngày thải tới 15 triệu kén nên việc dự phòng phải tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh: Ăn chín, uống sôi; Rửa rau nhiều nước và kỹ dưới vòi nước chảy; Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, nên cắt móng tay ngắn. Hạn chế tối đa ăn ở hàng quán vỉa hè, bất đắc dĩ thì ăn tại những hàng ăn có giấy chứng nhận của sở y tế đảm bảo đủ 10 tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

GS.TS Nguyễn Văn Đề (nguyên Trưởng bộ  môn  Ký sinh trùng, Trường ĐH Y Hà Nội)

GS.TS Nguyễn Văn Đề

BẢN DESKTOP