Dữ liệu y khoa

Đái tháo đường, rồi loạn mỡ máu, cao huyết áp dễ đột quỵ!

  • Tác giả : An Quý
(khoahocdoisong.vn) - Bên cạnh người có bệnh lý tim mạch, các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đã khuyến cáo 3 nhóm nguy cơ dễ bị đột quỵ là: Đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và cao huyết áp.

Nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Bệnh nhân Huỳnh Long T. (52 tuổi) đang ngồi chờ ở sân bay, đột ngột quỵ xuống, không nói được, không nhận ra người quen, ngay sau đó đã được chuyển gấp đến Bệnh viện Thống Nhất TPHCM.

Bệnh nhân đã hồi phục sau khi được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết tiêm tĩnh mạch để giúp làm tan cục máu đông gây tắc mạch và tái tưới máu trở lại cho não ở người đột quỵ.

Bệnh nhân đã hồi phục sau khi được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết tiêm tĩnh mạch để giúp làm tan cục máu đông gây tắc mạch và tái tưới máu trở lại cho não ở người đột quỵ.

BSCKII Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cho biết, bệnh nhân bị nhồi máu não cấp bán cầu não trái do tắc động mạch não giữa giờ thứ 2. Bệnh nhân được nhanh chóng điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết tiêm tĩnh mạch để giúp làm tan cục máu đông gây tắc mạch và tái tưới máu trở lại cho não. Sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết chưa đạt được kết quả như mong muốn, ê kíp can thiệp nội mạch cấp cứu đã khởi động để lấy huyết khối.

Sau can thiệp lấy cục máu đông khỏi mạch máu não bị tắc, bệnh nhân hiện đã tỉnh, tiếp xúc được, chỉ còn nói hơi lớ, phần liệt đã phục hồi khá tốt, sức cơ tay phải hồi phục 3/5, có thể cầm, nắm còn sức cơ chân phải đã hồi phục tốt hơn.

Ngoài những yếu tố nguy cơ đột quỵ như đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, thuốc lá… các nguyên nhân trực tiếp có thể gây ra đột quỵ ở người trưởng thành như bệnh lý van tim, rối loạn nhịp như rung nhĩ, tắc hẹp mạch máu... Như vậy, bệnh nhân cần được điều trị triệt để các nguyên nhân chính và cẩn trọng hơn trong cuộc sống hàng ngày để tránh các đột quỵ tái phát.

BSCKI Nguyễn Đức Tới, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM khuyến cáo, khi bệnh nhân bị đột quỵ, trong khi chờ xe cấp cứu, cần giữ thông thoáng môi trường xung quanh cho bệnh nhân dễ thở; tuyệt đối không tự ý bấm huyệt, châm cứu, đánh gió hoặc cho bệnh nhân uống nước chanh. Đặc biệt, không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác trên bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận, trên thế giới, mỗi năm đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 6,5 triệu người và hơn 17 triệu người tàn phế. Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, với tỷ lệ tử vong từ 10 - 20%, cao hơn nhiều lần so với một số nguyên nhân tử vong phổ biến khác.

Trước đây, theo các chuyên gia, thời gian vàng để can thiệp tiêu sợi huyết là 4,5 giờ hay thực hiện thủ thuật can thiệp nội mạch lấy huyết khối là 6 giờ. Nhưng hiện nay, với các tiến bộ về mặt hình ảnh học, các bác sĩ có thể đánh giá được bệnh nhân có thể còn nằm trong cửa sổ can thiệp hay không. Mục tiêu của cấp cứu đột quỵ là cứu vùng não thiếu máu nhưng các tế bào não chưa chết. Vì vậy, cửa sổ điều trị có thể kéo dài hơn lên tới 8 giờ, 12 giờ và thậm chí là 24 giờ.

Giảm muối, giảm mỡ, giảm nguy cơ đột quỵ

Ở những người có yếu tố nguy cơ đột quỵ thường sẽ ẩn hiện những vấn đề về tim mạch, bất thường về mạch máu không chỉ mạch máu não mà còn có thể ở mạch máu tim hoặc mạch máu các chi.

Chế độ dinh dưỡng dự phòng đột quỵ thường được khuyến nghị giống như bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch. Bao gồm ít muối, ít mỡ bão hòa, ít đường (cacbohydrat đơn)... Ảnh minh họa

Chế độ dinh dưỡng dự phòng đột quỵ thường được khuyến nghị giống như bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch. Bao gồm ít muối, ít mỡ bão hòa, ít đường (cacbohydrat đơn)... Ảnh minh họa

Do đó, tập luyện hằng ngày là một điều cần thiết, có ích cho sức khỏe. Nhưng vận động thể lực như thế nào, ở mức độ nào để giảm thiểu các nguy cơ. Bệnh nhân bị suy tim mà luyện tập như người bình thường, không suy tim, nguy cơ gặp các biến chứng sẽ nhiều hơn. Chương trình tập luyện cần phù hợp với từng thể trạng, từng cá thể.  

Bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ thường sẽ kèm theo các yếu tố nguy cơ liên quan đến tim mạch, mạch máu, vì vậy, chế độ dinh dưỡng dự phòng thường được khuyến nghị giống như bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch. Bao gồm ít muối, ít mỡ bão hòa, ít đường (cacbohydrat đơn)…

Chế độ ăn có thể khác nhau, tùy vùng, tùy khẩu vị. Ví dụ, chế độ ăn vùng Địa Trung Hải là chế độ ăn “healthy” tức là khỏe mạnh đối với tim mạch. Mặc dù thực phẩm của chế độ ăn này khác với một số chế độ ăn lành mạnh ở những nơi khác, nhưng về bản chất, thực phẩm trong bữa ăn cũng theo nguyên tắc nêu trên.

Theo các chuyên gia tim mạch và nội thần kinh, những biện pháp kiểm tra nguy cơ đột quỵ như đứng một chân, hay sử dụng một số sản phẩm thực phẩm chức năng để phòng ngừa đột quỵ hầu như chưa có các bằng chứng nghiên cứu khoa học rõ ràng.

Các bác sĩ cũng nhấn mạnh thêm, bệnh nhân trước khi bị đột quỵ thật sự, trước đó có thể gặp những cơn thiếu máu não thoáng qua, tạm thời và biến mất sau một vài giờ, một vài ngày. Nếu có dấu hiệu nói đớ, méo miệng, nhức đầu, tê cứng tay chân, chóng mặt, không đi lại được… chúng ta cần nghĩ đến đột quỵ để đến bệnh viện ngay, đặc biệt trên những người có các bệnh mạn tính kèm theo như đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu…

Những người có vấn đề về mạch máu, bệnh lý tim mạch, rối loạn lipid máu, đái tháo đường… cần được kiểm tra và đánh giá sức khỏe trước khi có kế hoạch đi chơi xa dài ngày hoặc bay một chuyến bay dài. Bệnh viện Thống Nhất TPHCM không ít lần tiếp nhận bệnh nhân bị đột quỵ hoặc các biến chứng tim mạch khi đang chờ lên máy bay hoặc du khách đi thăm quan.

An Quý

BẢN DESKTOP