NHÌN THẲNG

Đại gia sân golf và “cú ăn đôi” ấn tượng tại Vĩnh Phúc

  • Tác giả : Trọng Nghĩa - Lê Hằng
(khoahocdoisong.vn) - Tháng 9/2019, Vĩnh Phúc vừa có 2 tờ trình lấy ý kiến của các Bộ về việc cấp Chủ trương đầu tư cho 2 sân golf: Sân golf Bàn Long và Sân golf Gia Khau. Theo ghi nhận, cả 2 sân golf này đều thuộc về “ông trùm” sân golf Nguyễn Kháng Chiến - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng PPC An Thịnh Việt Nam (PPCAT).
Ông Nguyễn Kháng Chiến - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng PPC An Thịnh Việt Nam (PPCAT), được mệnh danh là "ông trùm" sân golf và Khu Công nghiệp. Ảnh Baodautu.vn

Ông Nguyễn Kháng Chiến - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng PPC An Thịnh Việt Nam (PPCAT), được mệnh danh là "ông trùm" sân golf  và Khu Công nghiệp. Ảnh Baodautu.vn

Vĩnh Phúc “bội thực” sân golf?

Nói bội thực có lẽ không sai, vì theo Tờ trình số 1306/TTr-SXD ngày 13/5/2015 của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, dự kiến trên địa bàn tỉnh có 9 sân golf. Trong khi tỉnh Vĩnh Phúc có 2 thành phố trực thuộc và 7 huyện. Có nghĩa là, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến sẽ có một sân golf. 

Đó là còn chưa kể tới những sân golf mà Vĩnh Phúc đang “muốn” trình bổ sung để được thực hiện.

Theo đó, Tờ trình số 1306/TTr-SXD, ngày 13/5/2015 của sở Xây dựng Vĩnh Phúc về việc dự kiến quy hoạch các sân golf tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn đến năm 2050, bổ sung vào quy hoạch sân golf Việt Nam, thì số sân golf dự kiến theo từng huyện, thị được quy hoạch cụ thể như sau:

Tại khu vực Thị xã Phúc Yên (nay là TP Phúc Yên) có 3 sân golf, bao gồm: Sân golf Lập Đinh quy mô 18 lỗ nằm trong phạm vi dự án Khu sinh thái Âu Cơ, quy mô 464,7ha, do Công ty TNHH Minh Giang làm chủ đầu tư.

Sân golf Bắc Đại Lải quy mô 18 lỗ, nằm trong phạm vi đề xuất mở rộng dựa án Du lịch sinh thái Đại Lải quy mô nghiên cứu khoảng 3.600ha.

Sân golf Đồng Trầm (Bắc Đại Lải), có quy mô 54 lỗ, diện tích đất khoảng 299ha.

Tại khu vực Bình Xuyên có 2 sân, gồm Sân golf Gia Khau và sân golf Tân Sơn. Trong đó, Sân golf Tân Sơn quy mô 18 lỗ, diện tích khoảng 92ha, trong đó có đến 70ha là đất rừng.

Sân golf Gia Khau có quy mô 36 lỗ, tổng diện tích khoảng 165ha, chủ đầu tư là Công ty CP Khai thác VLXD An Thịnh. Ngày 4/9/2019, Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc có văn bản số 2288 gửi các Bộ lấy ý kiến thẩm định về sân golf này trước khi trình Thủ tướng Chính Phủ.

Khu vực huyện Tam Đảo có 4 sân golf. Gồm sân golf Bàn Long, quy mô 36 lỗ, diện tích khoảng 158ha. Ngày 5/9/2019, Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc có văn bản số 2308 gửi các bộ lấy ý kiến thẩm định trước khi trình Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch sân golf Việt Nam.

3 sân khác là sân golf Đồng Nhập quy mô 36 lỗ, diện tích khoảng 191,4ha, sân golf Đồng Mỏ quy mô 18 lỗ, diện tích khoảng 108,5ha, sân golf Bến Thắm quy mô 18 lỗ, tổng diện tích khoảng 70,3ha.

Khu vực huyện Lập Thạch có sân golf Vân Trục, quy mô 54 lỗ, tổng diện tích khoảng 243ha.

Khu vực huyện Sông Lô có sân golf Bò Lạc có quy mô 36 lỗ, tổng diện tích khoảng137,9ha.

Trước đó, ngày 11/7/2011, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc có văn bản số 1179 gửi Bộ KH&ĐT đề nghị bổ sung 2 sân golf Bắc Đại Lải và sân Golf Hồ Vân Trục vào quy hoạch Phát triển sân golf Việt Nam đến năm 2020, nhưng không được chấp thuận.

“Cú ăn đôi” của Đại gia sân golf Nguyễn Kháng Chiến 

Theo ghi nhận, ngày 25/5/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Tờ trình số 25/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT. Với nội dung về bổ sung quy hoạch 2 sân golf Gia Khau tại huyện Bình Xuyên và Bàn Long, huyện Tam Đảo vào quy hoạch sân golf Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020.

Trong đó, Sân golf Gia Khau do Công ty CP Khai thác vật liệu xây dựng An Thịnh đề xuất đầu tư. Sân golf Ban Long do Công ty CP Công nghiệp Môi trường Việt Nam đề xuất đầu tư.

Ngày 11/8/2015, tỉnh Vĩnh Phúc có buổi làm việc với đoàn công tác liên đoàn ngành về việc bổ sung 2 dự án sân golf này. Theo đó, đoàn công tác yêu cầu làm rõ nhiều nội dung thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh trong bộ hồ sơ “kép” 2 sân golf này. Hồ sơ không được Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch.

Tờ trình số 42/TTr-UBND gửi Bộ KH&ĐT do ông Vũ Chí Giang Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký.

Tờ trình số 42/TTr-UBND gửi Bộ KH&ĐT do ông Vũ Chí Giang Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký. 

3 năm sau, tháng 6/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có Tờ trình số 42/TTr-UBND gửi Bộ KH&ĐT, đề nghị bổ sung quy hoạch 2 sân golf Gia Khau, huyện Bình Xuyên và Bàn Long, huyện Tam Đảo và quy hoạch sân golf Việt Nam giai đoạn 2015-2020. (Lý do vì theo văn bản ủy quyền số 207/TTg-NN của Thủ tướng, từ ngày 7/2/2018, việc phê duyệt bổ sung sân golf do Bộ KH&ĐT xem xét quyết định).

Đến tháng 12/2018, Bộ KH&ĐT có 2 Văn bản số 9263/BKHĐT-KTDV, 9264/BKHĐT-KTDV, phúc đáp tờ trình số 42/TTr-UBND của tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, Bộ KH&ĐT đồng ý bổ sung 2 sân golf Gia khau và sân golf Bàn Long vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Có thể nhận thấy, trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng PPC An Thịnh Việt Nam nhận được khá nhiều “ưu ái” từ phía UBND tỉnh đối với 2 dự án này.

Cụ thể, cả 2 dự án này đều không nằm trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh 2011 - 2020, cũng như không có trong kế hoạch sử dụng đất 2015. Nhưng sau đó cả 2 dự án này đã được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt quy hoạch bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015 - 2020.

Hay ngày 11/8/2015, tại biên bản làm việc của đoàn công tác liên ngành với tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Quang Đạo - đại diện Viện Chiến lược phát triển - đã đề nghị: “Đây là hai dự án sân golf khác nhau, vì vậy nên tách hồ sơ thành 2 dự án riêng đề nghị bổ sung”. Tuy nhiên sau đó, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn trình “đúp” 2 dự án trong cùng một tờ trình khi gửi Bộ KH&ĐT…

Ấn tượng hơn cả là về hồ sơ tài chính của 2 doanh nghiệp này trình các Bộ thẩm định dự án. Sân golf Gia Khau do Công ty CP Khai thác vật liệu xây dựng An Thịnh đề xuất thực hiện có tổng mức đầu tư khoảng 828,82 tỷ đồng. Nhưng vốn điều lệ của Công ty CP Khai thác vật liệu xây dựng An Thịnh chỉ là 120 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này năm 2017 là hơn 542,2 triệu đồng, năm 2018 là hơn 915,5 triệu đồng.

Và sân golf Ban Long do Công ty CP Công Nghiệp Môi Trường Việt Nam đề xuất đầu tư khoảng 665 tỷ đồng. Hồ sơ năng lực tài chính lại là Báo cáo tài chính 02 năm 2017 và 2018 của Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng PPC An Thịnh Việt Nam.

Lý do được giải thích, đây là Công ty có vốn chi phối của Công ty CP Môi trường Công Nghiệp Việt Nam.

Vậy ý kiến của các Bộ về việc cấp chủ trương đầu tư cho 2 dự án sân golf này là gì? Tiềm lực thực của 2 doanh nghiệp đề xuất đầu tư ra sao? Báo KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Trọng Nghĩa - Lê Hằng

BẢN DESKTOP