Bình luận

Đại biểu Quốc hội, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Mỗi tờ báo phải xây dựng được thương hiệu riêng

  • Tác giả : Tô Hội (thực hiện)
(khoahocdoisong.vn) - “Báo chí ngày nay đi cùng là các mạng thông tin với rất nhiều thông tin đa dạng, đa chiều, đúng có, biến tấu có, câu khách, thậm chí còn sai sự thật. Do đó, không có tính chuẩn xác sẽ mất niềm tin đối với bạn đọc và hết chỗ đứng trong xã hội”, Đại biểu Quốc hội, TSKH Phan Xuân Dũng chia sẻ với KH&ĐS.
Đại biểu Quốc hội, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Trần Hải

Đại biểu Quốc hội, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Trần Hải

Không có tính chuẩn xác, báo chí sẽ làm mất niềm tin của bạn đọc

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí nói chung, báo chí trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) nói riêng?

Với vai trò là cầu nối giữa Đảng với dân, báo chí nước ta đã tích cực chủ động có nhiều đóng góp cho xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phản ánh kịp thời, khách quan những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, thực hiện tốt chức năng truyền thông, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống. Những gì báo chí đã đóng góp là rất đáng tự hào. Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao và trân trọng những đóng góp lớn lao của Báo chí Cách mạng Việt Nam, những người làm báo, nghề báo cao quý!

Báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam không thể tách rời hệ thống báo chí cách mạng nói chung, là cơ quan tư tưởng, tiếng nói của Liên hiệp Hội việt Nam, của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam; là phương tiện truyền thông kiến thức tới công chúng; là diễn đàn để các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của mình là đóng góp ý kiến, xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão hiện nay, theo ông thách thức đối với người làm báo là gì?

Khoa học và công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển vô cùng nhanh chóng, đang làm thay đổi mọi hoạt động và cuộc sống con người, trong đó có cả người làm báo, công việc của báo chí. Đối với báo chí và truyền thông cũng có những thuận lợi và thách thức vô cùng lớn lao.

Bằng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, thì việc cập nhật thông tin, phân tích thông tin sẽ nhanh gấp hàng nghìn lần so với thủ công. Nếu không có đổi mới mạnh mẽ từ cách tiếp cận, tư duy đến phương thức hoạt động thì người làm báo sẽ đứng trước nguy cơ dần “mất việc”.

Ngày nay đi cùng báo chí là các mạng thông tin với rất nhiều thông tin đa dạng, đa chiều, đúng có, biến tấu có, câu khách, thậm chí còn sai sự thật. Do đó, không có tính chuẩn xác sẽ mất niềm tin đối với bạn đọc và hết chỗ đứng trong xã hội. Đối với các tờ báo, chúng ta phải nhanh nhạy đổi mới, phải có tính chính xác cao, phải có tính đặc thù riêng của từng tờ báo thì mới có lượng bạn đọc riêng của mình. Nghĩa là mỗi tờ báo phải xây dựng được thương hiệu riêng, trường phái riêng, cách lôi cuốn người đọc riêng thì mới có chỗ đứng đối với bạn đọc.

Báo KH&ĐS cũng phải thay đổi, đổi mới cho phù hợp với thời đại khoa học và công nghệ mới đang tiến nhanh chưa từng thấy như vũ bão. Phải nhanh nhạy hơn, cập nhật công nghệ mới nhanh hơn, phát huy được thế mạnh của tờ báo về khoa học nhưng gắn với cuộc sống, phục vụ cuộc sống để tạo ra đặc thù riêng; phát huy được sức mạnh của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong Liên hiệp Hội Việt Nam để có những thông tin khoa học chính xác, phong phú, hấp dẫn hơn.

TSKH Phan Xuân Dũng: "Tôi rất mong mỗi ấn phẩm báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam phải là một bản sắc riêng". Ảnh: Trần Hải

TSKH Phan Xuân Dũng: "Tôi rất mong mỗi ấn phẩm báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam phải là một bản sắc riêng". Ảnh: Trần Hải

Nhà khoa học cũng nên là nhà báo

Thưa ông, Báo KH&ĐS từng là cuốn cẩm nang “gối đầu giường” của nhiều gia đình. Mỗi khi cần tra cứu vấn đề gì, cần tư vấn khúc mắc nào, họ đều tìm đến các mẩu báo được cắt ra, cất đi, gấp gọn ghẽ trong tủ. Phải chăng, cái riêng mà ông nói đến chính là như thế?

Đúng thế, tôi rất mong mỗi ấn phẩm báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam phải là một bản sắc riêng. Để khi cần xác nhận một thông tin nào đó, đúng hay sai, khi cần giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống, người đọc sẽ đều tìm đến tờ báo của mình, số báo riêng của mình, mục riêng của mình yêu thích và quan tâm. Đúng như Báo KH&ĐS đã từng trở thành cẩm nang trong nhiều gia đình Việt Nam, đó chính là bản sắc riêng không ai có, đó là thương hiệu riêng, là tài sản riêng của Báo.

Ngoài ra, tôi có một kỳ vọng nữa là sẽ có một trang báo riêng dành cho các nhà khoa học, do các nhà khoa học viết bài. Liên hiệp Hội Việt Nam có hệ thống các nhà khoa học rất đông đảo, tâm huyết, say mê nghiên cứu, say mê truyền bá kiến thức cho mọi người. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cả nước hiện có khoảng 6,6 triệu trí thức, riêng Liên hiệp Hội Việt Nam có 2,2 triệu trí thức, chiếm 32,5%. Đây là nguồn tài nguyên vô giá. Phải làm sao để chính đội ngũ trí thức cũng là nhà báo, tham gia viết báo để đưa tri thức đến với độc giả.

Tờ báo khoa học thì phải đưa tin khoa học, tấm gương về các nhà khoa học, nhưng đây là thời đại khoa học công nghệ đang phát triển rất mạnh, luôn có những cái nhất trong khoa học công nghệ. Nên tôi cũng hy vọng sẽ có một trang đưa những cái nhất về khoa học và công nghệ, để mọi người cùng hướng tới mà phấn đấu. Ví dụ, những thông tin về quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, những quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới, những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, quốc gia an toàn nhất thế giới… hay những thông tin thống kê những quốc gia có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới, những quốc gia sở hữu nền khoa học “khủng” nhất thế giới, những thành phố công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới hay những thành phố thông minh nhất thế giới…

Nước ta đang phát triển thành phố thông minh như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… Mức độ thông minh của mỗi thành phố là khác nhau, vậy chúng ta hình dung thành phố thông minh sẽ như thế nào, so với thế giới ra sao? Những tri thức khoa học dạng đó rất cần thiết cho bạn đọc.

Đối với báo chí khoa học, làm thế nào để truyền thông khoa học hiệu quả hơn, đưa tri thức khoa học đến gần hơn với bạn đọc, thưa ông?

Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ nước nhà rất đông đảo nhưng báo chí chưa khai thác được nhiều. Các nhà khoa học Việt Nam rất có tài năng, tâm huyết, có nhiều công trình tầm cỡ, thế nhưng sự xuất hiện của họ trên báo chí để nói về những công trình này lại rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân. Đối với các công trình nghiên cứu cơ bản thì chỉ đưa thông tin, còn lại là truyền tải những kiến thức có thể áp dụng vào cuộc sống. Mối gắn kết giữa nhà báo với các nhà khoa học chưa nhiều, chưa đạt như mong muốn. Nhà báo chưa đặt ra câu hỏi cụ thể là gì cho phù hợp với mỗi nhà khoa học. Nhiều tờ báo cũng chưa thực sự đầu tư vào mảng phổ biến kiến thức đến người dân. Do đó, cần có những cơ chế chính sách để khuyến khích các nhà khoa học hợp tác viết báo, trao đổi thông tin với nhà báo… từ đó tăng hàm lượng khoa học trên báo chí hiện nay.

Liên hiệp Hội Việt Nam cũng cần có những địa chỉ uy tín được dựng xây bởi tiếng nói của các nhà khoa học, của giới trí thức. Ví dụ, khi cần giải đáp các vấn đề về Covid-19, bạn đọc sẽ tìm đến trang của mình để có câu trả lời chính xác. Phải tạo ra được những bạn đọc riêng, để khi nào cần có thông tin liên quan đến vấn đề đó, thì họ sẽ tìm đến mình mới có thông tin chuẩn. Phải tạo thương hiệu riêng cho mình là ở chỗ đó. Nếu không làm được như thế thì không có thương hiệu và cũng không tạo được nét riêng của cơ quan báo chí, nghĩa là không có bạn đọc “riêng”, dẫn đến sẽ không cần tờ báo.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại điểm bầu cử tỉnh Bình Thuận.

TSKH Phan Xuân Dũng đã được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, với 100% số phiếu của cử tri cơ quan VUSTA. TSKH Phan Xuân Dũng ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Đơn vị bầu cử số 2 (huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Sơn và huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).

TSKH Phan Xuân Dũng, SN 1960, quê quán tại xã Đại Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Trước khi giữ Chủ tịch VUSTA, TSKH Phan Xuân Dũng là Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. TSKH Phan Xuân Dũng từng giữ nhiều chức vụ như Phó Vụ trưởng Ban Khoa giáo Trung ương; Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

5 thông điệp vận động bầu cử của TSKH Phan Xuân Dũng gồm:

-  Tiếp tục lắng nghe ý kiến của bà con cô bác cử tri, đưa kiến nghị, nguyện vọng của bà con trình lên các cấp có thẩm quyền để giải quyết, cố gắng để không phụ lòng ủng hộ bằng phiếu bầu của bà con…

-  Nguyện bằng trí tuệ, sức lực nhỏ bé của mình góp phần vào xây dựng mảnh đất quê hương Ninh Thuận giàu mạnh hơn, bà con có cuộc sống sung túc hơn, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu KT-XH mà mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XV cho giai đoạn 2021-2026 đã đề ra.

- Tiếp tục tích cực cùng Đoàn Chủ tịch TƯ LHH KH&KT Việt Nam làm tròn sứ mệnh là hợp đội ngũ trí thức cả nước, cùng các nhà KH&CN cả nước để phục vụ tốt hơn sự nghiệp phát triển KT-XH và bảo đảm Quốc phòng của đất nước.

- Dành sự quan tâm và hỗ trỡ để đội ngũ trí thức Ninh Thuận góp phần tích cực và hiệu quả hơn cho sự nghiệp phát triển KT-XH của Tỉnh nhà.

- Làm tốt hơn nữa công tác an sinh - xã hội, nhất là trên địa bàn của tỉnh. Tiếp tục huy động các nguồn lực của xã hội và của bản thân để chăm lo các gia đình khó khăn, gia đình nghèo, gia đình chính sách…

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP