Giáo dục

Đại biểu Quốc hội: Cần xử lý nghiêm vụ đề thi Sinh giống bất thường đề ôn tập, nếu có tiêu cực

  • Tác giả : Nhóm PV
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phải có câu trả lời rõ ràng về vụ đề thi Sinh giống bất thường đề ôn tập, và nếu có tiêu cực cần phải xử lý nghiêm.

Nếu có tiêu cực cần phải xử lý nghiêm

Nội dung ôn tập ngay trước ngày thi môn Sinh học trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 của thầy Phan Khắc Nghệ (Hà Tĩnh) được chỉ ra giống đề thi Sinh chính thức đến trên 80%. Đây được cho là điều bất thường và nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

Trao đổi với Khoa học và Đời sống ngày 22/12 về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, với một vụ việc gây bức xúc trong dư luận, cho các phụ huynh, các thầy cô giáo, tựa như một scandal thì Bộ GD&ĐT cần vào cuộc thanh tra và có câu trả lời rõ ràng trước công luận.

dai-bieu-pham-van-hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: KH&ĐS.

“Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, tôi rất mong muốn thanh tra của Bộ GD&ĐT phối hợp với thanh tra nhà nước của tỉnh Hà Tĩnh, hoặc chỉ thanh tra của Bộ GD&ĐT đơn phương xác minh, điều tra làm rõ sự việc và phải có câu trả lời cho dư luận”, ông Hòa nói.

Ông Hòa cho biết, với phản ánh của dư luận về việc đề thi Sinh giống đề ôn tập bất thường thì cần phải làm cho rõ có việc lộ, lọt đề thi hay không, và nếu có thì là do chủ quan hay khách quan, từ phía cá nhân hay từ Bộ GD&ĐT?

Và khi đã thanh tra, xác minh làm rõ, nếu có tiêu cực cần phải xử lý nghiêm chứ không thể nào có sự bao che, hoặc bỏ qua, “đó là việc không nên và không chấp nhận được”, ông Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Hòa, gian lận thi cử là một vấn đề lớn, hiện tại chỉ là một vụ việc nghi vấn xảy ra đối với một thầy giáo ở Hà Tĩnh, nhưng liệu còn có ở địa phương nào khác nữa hay không? Khi công luận đã lên tiếng thì Bộ GD&ĐT cần có câu trả lời với công luận cho rõ ràng, tránh những nghi ngờ.

Nội dung đề thi Sinh trùng đề ôn thi trùng trên 90% là vô cùng bất thường

Theo nguồn tin của phóng viên, trước những phản ánh của dư luận về việc đề thi Sinh trùng bất thường đề ôn tập của thầy giáo Phan Khắc Nghệ, ngày 4/8, Bộ GD&ĐT đã ra Quyết định số 171/QĐ-BGDĐT về việc thành lập tổ công tác liên ngành xác minh thông tin, nhằm thực hiện đối chiếu, so sánh đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT với đề trong video của thầy Phan Khắc Nghệ.

Tư liệu để sử dụng đối sánh là 4 đề thô xuất từ máy tính của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, 4 đề duyệt chốt bởi hội đồng ra đề thi, 1 bản pdf đề Vip40 được ông Phan Khắc Nghệ dạy ôn luyện cho học sinh, 3 video live và các tệp được ông Phan Khắc Nghệ gửi bà Phạm Thị My (Tổ trưởng Tổ ra đề môn Sinh), ông Bùi Văn Sâm (thành viên Tổ thẩm định), các tệp bà Phạm Thị My gửi ông Phan Khắc Nghệ qua email từ năm 2015-2018 và 2021.

Kết quả cho thấy, khi đánh giá số câu hỏi trùng và khác nhau giữa đề thô được chọn, đề duyệt chốt với nội dung ôn tập của thầy Nghệ thì các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của thầy Nghệ có sự trùng lặp rất lớn.

Cụ thể, trong tổng số 40 câu của từng mã đề thô được chọn, có 39 câu trùng (chiếm tỷ lệ 97%) với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ.

Trong số 39 câu trùng nói trên thì có 37 câu trùng ở cả 4 mã đề (chiếm 94,87%).

de-thi-sinh-giong-de-on-tap.png
Câu hỏi chưa từng xuất hiện trong bất kì tài liệu nào có trong đề thi THPT 2021 và đề ôn tập ngày cuối cùng của thầy Nghệ trước khi thi 1 ngày. Ảnh: NVCC.

Đặc biệt, có một câu về diễn thể sinh thái (câu 106 trong đề thô được chọn) có ở cả 4 mã đề là câu ra ngoài chương trình, với dạng đồ thị chưa từng có trong sách giáo khoa nhưng cũng xuất hiện trong video ôn tập của thầy Nghệ.

Trong tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng (tỉ lệ 92,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ.

Theo đánh giá của tổ chuyên gia, sự trùng lặp này là "bất thường".

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Hệ thống giáo dục Học Mãi cho biết, ban đầu theo đánh giá của thầy và một số đồng nghiệp, mức độ trùng giữa đề thi Sinh và đề ôn tập chỉ ở mức 80%. Tuy nhiên, sự trùng khớp lên tới 92,5% thì đó là điều rất khó lý giải và cần phải được làm rõ.

“Đặc biệt với câu hỏi dạng đồ thị trong đề thi Sinh chưa từng xuất hiện trong sách giáo khoa hay bất cứ tài liệu nào mà lại xuất hiện trong video ngay trước ngày thi của thầy Nghệ thì là điều vô cùng bất thường, cần làm rõ", thầy Hiền nói.

Một số giáo viên cho biết, họ đã nhiều lần gửi kiến nghị lên Bộ GD&ĐT cũng như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ngay trước phiên đăng đàn chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Quốc hội (11/11), nhiều giáo viên cũng đã bày tỏ mong muốn Bộ trưởng sẽ có câu trả lời về vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ phía Bộ GD&ĐT.  "Trông “bề ngoài” có vẻ như sự việc đang trôi trong im lặng, nhưng bên trong là những cơn "sóng ngầm" bức xúc của rất nhiều giáo viên và học sinh", một giáo viên cho hay.

Nhóm PV

BẢN DESKTOP