Vấn đề - Sự kiện

Đặc sản của mỗi vùng miền

c sản của mỗi vùng miền đâu chỉ là những sản vật, những đồ ăn thức uống, mà còn là những con người hiền lành, chân thật. Đó cũng là một di sản cần được gìn giữ và bảo tồn.

Đặc sản của mỗi vùng miền bao gồm cả yếu tố con người (ảnh minh họa).

Đầu năm du xuân, rất nhiều người kêu ca về nạn tăng giá, “chặt chém”, từ gửi xe, đến đồ lễ, đồ ăn, có nơi một đĩa dưa xào mà được tính giá tới trăm ngàn đồng. Việc tăng giá ngày Tết là điều không tránh khỏi. Một số nhà hàng gần Hồ Tây (Hà Nội) ghi thông báo giá cả tăng 10%, còn chấp nhận được.

Chứ kiểu tranh thủ mấy ngày Tết để bắt chẹt người mua là điều chỉ những người làm ăn kiểu chụp giật, vô lương tâm mới làm. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì sẽ làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam. Rất may không phải ở đâu cũng thế.

Mùng 4 Tết, mấy nhà chúng tôi lên Cao Bằng. Đường dễ đi, cảnh đẹp, con người thì thân thiện. Vì là ngày Tết nên nhiều cửa hàng còn chưa mở cửa, tìm chỗ ăn cũng hơi khó hơn ngày thường, nhưng tuyệt nhiên không có tình trạng chặt chém.

Một suất bánh cuốn Cao Bằng ú ụ giá 15.000đ, thêm 2 cái giò lụa là 25.000đ, một bát phở thịt quay, vịt quay cũng chỉ 30.000đ, không mặc cả, cũng chẳng nói thách. Ngay trong  khu du lịch Thác Bản Giốc hay Pác Bó, giá cả cũng vậy, 10.000đ một cái xúc xích nướng to đùng.

Hay như năm ngoái đi Điện Biên, một nồi lẩu 8 người ăn giá 750.000đ, ngồn ngộn rau, thịt, cá, đã thế lại thoải mái xin thêm nước lẩu, rau và mì tôm mà không bị tính thêm tiền.

Những người bán hàng ở đây rất thân thiện. Tôi nhớ chị bán bánh cuốn người Tày trên đường vào khu di tích Pác Bó đã nhường cả giường cho chúng tôi nghỉ trưa.

Ngay đến một bà người Nùng bán loại bánh bỏng đặc sản khi thấy tôi hỏi nhiều về các thành phần của bánh, đã mắng “Chỉ hỏi linh tinh”. Bị mắng mà chả thấy tức, chẳng hiểu vì cái giọng nói tiếng Việt chưa sõi ngồ ngộ đó hay vì người mắng không có tâm địa gì mà tôi chỉ thấy vui vui.

Đến lạ. Có lẽ vì họ thật thà quá, trong trẻo quá, cái tâm họ sáng nên mình cũng lây cái tâm trạng đó. Chia tay, thấy như  vừa để lại đây rất nhiều nhớ thương.

Đến một vùng đất mới, người ta thường quan tâm tới cảnh đẹp, các khu nghỉ ngơi, vui chơi, đặc sản…thế nhưng có một thứ còn quý giá hơn, đó là được gặp gỡ, trò chuyện với những người dân nơi đó.

Thế nên tôi rất thích đến những miền núi xa xôi, một phần vì cảnh đẹp, nhưng một phần là được gặp gỡ những con người hiền lành, chân thật ấy. Đó cũng là một di sản, một đặc sản của mỗi vùng miền cần được gìn giữ và bảo tồn.

Minh Anh

BẢN DESKTOP