Dữ liệu y khoa

Đa số dấu ấn không dùng để sàng lọc ung thư

  • Tác giả : BS Trinh Thế Cường
(khoahocdoisong.vn) - Lợi dụng nỗi ám ảnh ung thư nhiều nơi quảng cáo xét nghiệm để sàng lọc sớm. Đa số xét nghiệm dấu ấn không dùng để sàng lọc/tầm soát ung thư. Việc tư vấn các xét nghiệm không cần thiết là không nên.

Yêu cầu của một xét nghiệm sàng lọc ung thư

- Dấu ấn ung thư (Tumor marker) là những chất được tạo ra bởi các tế bào ung thư lẫn tế bào lành nhưng chúng được tạo ra nhiều hơn ở tế bào ung thư. Chúng có thể được tìm thấy trong máu, nước tiểu, phân, khối u, các mô hoặc dịch cơ thể của một số bệnh nhân bị ung thư.

Các xét nghiệm sàng lọc ung thư nhằm phát hiện ra ung thư ở giai đoạn sớm, khi bệnh chưa gây ra các triệu chứng lâm sàng. Từ đó bệnh nhân sẽ có nhiều cơ hội điều trị thành công. Tuy nhiên, các xét nghiệm sàng lọc hiệu quả phải đảm bảo các tiêu chí:

+ Có độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Độ nhạy cao sẽ làm giảm được số người bị ung thư nhưng xét nghiệm âm tính. Độ đặc hiệu cao sẽ làm giảm số người không bị ung thư mà xét nghiệm dương tính.

+ Phát hiện được sớm ung thư.

+ Giảm tỷ lệ chết vì ung thư nếu thường xuyên làm xét nghiệm

+ Có nhiều lợi ích hơn tác hại. Tác hại như can thiệp và điều trị quá mức, gây tâm lý lo lắng và tốn kém chi phí.

Dấn ấn ung thư nào được khuyến cáo trong sàng lọc

Dấu ấn ung thư rất có ích trong theo dõi đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát sau điều trị nhưng đa số dấu ấn không dùng để tầm soát ung thư.

- Có nhiều trường hợp không mắc ung thư nhưng có chỉ số dấu ấn ung thư cao, ví dụ: CEA tăng trong viêm ruột hoặc người hút thuốc, AFP tăng trong viêm gan, PSA tăng trong viêm tiền liệt tuyến…

- Không phải tất cả bệnh nhân ung thư đều có dấu ấn tăng. Dấu ấn ung thư có thể bình thường ở bệnh nhân ung thư, đặc biệt ở giai đoạn sớm. Ví dụ AFP có thể bình thường ở 40% bệnh nhân ung thư gan giai đoạn sớm. CEA chỉ tăng khoảng 15% bệnh nhân ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm, có nghĩa là ta sẽ bỏ sót 85% bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn sớm nếu chỉ dùng CEA để sàng lọc.

Theo khuyến cáo của hiệp hội ung thư Mỹ (ACS)

- Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT) mỗi năm để sàng lọc ung thư đại tràng bắt đầu tử tuổi 50 cho đối tượng nguy cơ trung bình.

- Xét nghiệm PSA sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến cho nam giới 50 tuổi hoặc già hơn nếu ước lượng có thể sống được hơn 10 năm (Việt Nam là 50 - 62 tuổi)

Theo Hiệp hội ung thư gan Hoa Kỳ (AASLD)

-AFP phối hợp siêu âm ổ bụng sàng lọc ung thư gan nguyên phát cho người bị viêm gan B mạn tính hoặc xơ gan do bất kì nguyên nhân.

Người dân cần lưu ý, xét nghiệm marker ung thư không theo hướng dẫn bác sĩ sẽ gây lo lắng không cần thiết; Mất tiền; Mất thời gian; Can thiệp quá mức: ví dụ bệnh nhân xét nghiệm CEA tăng nhẹ, lo lắng đi nội soi dạ dày, đại tràng, chụp cắt lớp, thậm chí đi chụp PET CT… mà cuối cùng kết luận theo dõi thêm/ nghi tăng CEA do hút thuốc lá...

BS Trịnh Thế Cường (Bệnh viện E)

BS Trinh Thế Cường

BẢN DESKTOP