Dữ liệu y khoa

Đà Nẵng: Cứu sống nam thanh niên bị đâm thủng tim

  • Tác giả : Theo Hàn Băng/Tamnhin.trithuccuocsong.vn
Mới đây, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, vừa cứu sống kịp thời một nam thanh niên bị dao đâm thủng tim nhờ kích hoạt quy trình báo động đỏ.

Trước đó, sáng 5/9, bệnh nhân Đ.G.H. (24 tuổi, ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) được chuyển đến khoa cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng lơ mơ, kích thích vật vã, da niêm mạc nhợt nhạt, với 2 vết thương: 1 vết thương vùng gian sườn IV phải kích thước 2cm, 1 vết thương vùng sau lưng lệch trái kích thước 1cm.

Kích hoạt báo động đỏ cứu sống nam thanh niên bị dao đâm thủng tim

Kích hoạt báo động đỏ cứu sống nam thanh niên bị dao đâm thủng tim

Tại khoa cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân H. được thăm khám và siêu âm tim tại giường phát hiện khoang màng tim nhiều máu đông và không đông, có dấu chèn ép tim cấp, bệnh nhân được chẩn đoán vết thương thấu ngực trái, gây thủng tim.

Ngay lập tức, quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt. Người bệnh được chuyển vào phòng mổ cấp cứu. Ekip các bác sĩ khoa Ngoại tim mạch và Gây mê hồi sức tiến hành phẫu thuật. Sau khi mở ngực phát hiện vết thương gây thủng tâm thất phải kích thước 1,5 cm đang phun máu. Bệnh nhân được xử trí thương tổn trong vòng 30 phút.

Bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sức ngoại. Sau 6 giờ, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, tỉnh táo, huyết động ổn định, đã đi lại và sinh hoạt bình thường.

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Hiểu (khoa Ngoại tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, với những bệnh nhân có vết thương, chấn thương vùng ngực, đặc biệt vùng tam giác tim (giới hạn bởi bờ phải xương ức và núm vú trái), quy trình cấp cứu là quan trọng nhất, nếu không xử trí nhanh chóng, kịp thời, bệnh nhân gần như tử vong.

Bác sĩ Hiểu cũng cho biết thêm, với những bệnh nhân bị vết thương ở tim 90% sẽ tử vong ngoại viện hoặc tử vong trước phẫu thuật do tình trạng mất máu cấp và chèn ép tim cấp (máu tụ khoang màng tim gây hạn chế hoạt động của tim). Vết thương tim là một thể tổn thương rất nặng và ít gặp của vết thương ngực hở (khoảng 5%) cần được ưu tiên số một trong chẩn đoán, vận chuyển và xử trí.

Theo Hàn Băng/Tamnhin.trithuccuocsong.vn

BẢN DESKTOP