Hỏi: Da tôi bị mụn và sẹo xấu nên ra hiệu thẩm mỹ điều trị bằng peel da sinh học để tái tạo da. Hiện da tôi bong tróc như bị bỏng. Xin hỏi, nguyên nhân và cách điều trị? Điều trị phương pháp này như thế nào để đảm bảo an toàn?
Nguyễn Thị Hiền (Bắc Giang)
Trả lời: Peel da giúp trẻ hóa làn da đang được nhiều chị em áp dụng. Peel da thực sự mang lại hiệu quả tốt cho da nhưng đây là phương pháp làm dưới sự giám sát của bác sĩ da liễu dù bạn có làm tại nhà. Khi peel da không đúng, chị em có thể rơi vào biến chứng bỏng da, viêm da, tăng sắc tố, da mỏng, yếu…Nhiều chị em tới khám là nạn nhân của phương pháp này vì thiếu kiến thức.
Nguyên lý peel da chính là sử dụng các loại axit lành tính, có tác dụng chăm sóc và làm đẹp da, tác động vào bề mặt – thượng bì. Sau quá trình bôi, các lớp tế bào chết, lớp sừng cỗi sẽ dần dần được loại bỏ và thay vào đó là các tế bào da mới sẽ được hình thành và nuôi dưỡng một cách tự nhiên.
Peel da được thực hiện với nhiều cấp độ khác nhau bao gồm peel nông và rất nông, peel trung bình và peel sâu. Trong đó Tricloacetic Acid viết tắt là (TCA) được sử dụng trong các sản phẩm peel da.
Tuy nhiên, các bệnh nhân tới khám vì hỏng da do peel đều mắc các sai lầm như nồng độ dùng quá cao, tự peel quá sâu. Trước khi bạn peel da phải hiểu đặc trưng của TCA nằm ở nồng độ sử dụng bởi sẽ đem lại các công dụng khác nhau.
Ví dụ như nồng độ nhẹ từ 15 - 20% có thể sử dụng để lột da, thay da hóa học, TCA ở nồng độ này chỉ tác động làm bong lớp sừng trên thượng bì của da. Với nồng độ từ 50% trở lên, TCA có thể phá vỡ lớp trung bì, tác động tới hạ bì... và được ứng dụng trong điều trị sẹo lõm, sùi mào gà, mụn cóc, hạt cơm…
Khi peel da, chị em cần lưu ý, với phụ nữ có thai, đang có ý định mang thai và đang cho con bú không được peel da.
Người có các bệnh liên quan đến tim gan, thận. Người bị các dấu hiệu quá mẫn cảm với ánh sáng. Người có da đang bị tổn thương đặc biệt là tổn thương hở…
Điều trị trị phục hồi biến chứng của peel da rất lâu, chi phí từ 50 đến 70 triệu đồng da cũng khó phục hồi được như trước.
BSCK II. Nguyễn Quang Minh (Phó trưởng Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương)