Bình luận

Đã ai nhìn thấy thảm đỏ?

Theo GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, chúng ta nói nhiều đến cụm từ “trải thảm đỏ” song đến nay, đã ai nhìn thấy thảm đỏ chưa? Để thu hút được người tài ở nước ngoài về đóng góp cho đất nước thì trước hết, phải có cơ chế chính sách đãi ngộ tốt với những người có năng lực thực sự đang làm việc ở trong nước đã.

GS.TSKH Ngô Việt Trung

Đối đãi với người trong nước tốt đi đã

Vừa rồi, sự kiện 100 nhà khoa học trẻ Việt kiều về nước tham dự Chương trình kết nối đổi mới sáng tạo với hàng loạt cuộc gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, đối thoại đã diễn ra. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến nhân lực khoa học công nghệ, mong muốn quy tụ được hiền tài về đóng góp cho đất nước. Theo ông, làm thế nào để kêu gọi người tài trở về?

Trước tiên, việc mời 100 nhà khoa học trẻ Việt kiều về nước lần này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ về vấn đề khoa học công nghệ, nguồn nhân lực thời kỳ 4.0 và thực lòng mong muốn quy tụ hiền tài về đóng góp cho đất nước. Có điều tôi băn khoăn là chúng ta nói nhiều đến cum từ “trải thảm đỏ” nhưng thảm đỏ ở đâu, không ai nhìn thấy.

Từ lúc tôi còn trẻ, đến giờ đã già rồi, vẫn không thấy thảm đỏ đâu. Chúng ta có rất nhiều người giỏi, cả trong và ngoài nước. Nhiều người có trình độ cao chọn lập nghiệp ở nước ngoài, không muốn về nước. Làm thế nào để quy tụ được hết chất xám ấy, quả là điều khó.

Liệu có cách nào không thưa ông?

Để thu hút được người tài ở nước ngoài thì trước tiên phải có chính sách tốt đối với người trong nước. Bởi người ngoài nước, khi về nước một vài năm sẽ thành người trong nước.

Do đó, khi quyết định trở về, họ phải xem người tài ở trong nước được đối xử, đãi ngộ như thế nào. Trong cái toàn cảnh ấy, người tài có được trọng dụng, đãi ngộ không. Chứ không phải là chính sách đãi ngộ một vài người trong một vài hoàn cảnh cụ thể.

Ý ông là chính sách ấy phải bền vững?

Đúng thế. Tôi biết có người trẻ, tài năng được mời về một trường với chính sách cực kỳ ưu đãi do lãnh đạo nhà trường chủ trương phát triển mảng nghiên cứu đó. Nhưng một vài năm sau, lãnh đạo mới lên, chính sách ưu đãi “hết hạn”, thế là hết. Do đó, để họ có mong muốn trở về, cống hiến thì phải có chính sách tổng thể, toàn diện.

Bài học từ các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc đã cho thấy rõ điều đó. Lương của trí thức cao hơn mặt bằng chung rất nhiều. Chính sách đãi ngộ cực kỳ thông thoáng. Mấy năm trước, người tài ở Trung Quốc dễ xin vào các trường đại học lớn, nhưng giờ cực khó vì rất nhiều người tài ở ngoài nước đã trở về công tác.

Ưu đãi ấy, phải chăng đơn giản là tiền?

Nó gồm rất nhiều thứ khác nữa mà ở môi trường các nước phát triển phương Tây không có. Chỉ khi trở về nước họ mới được làm. Ví dụ như người tài có quyền xây dựng phòng thí nghiệm, lập các nhóm nghiên cứu. Chuyên gia giỏi về hưu có thể được giao cho hẳn một Viện, được quyền tuyển người, điều hành…

Tất nhiên, việc chi cho phát triển cũng rất lớn. Người làm việc trong các cơ sở này có thu nhập rất cao, họ không phải lo lắng gì khác, chỉ chuyên tâm vào chuyên môn. Đó là một chính sách tổng thể

Đừng chỉ ưu đãi bằng lời

Ông vừa nếu ra những ví dụ về chính sách đãi ngộ ở một số nước, ở ta, liệu có áp dụng giống như thế?

Đáng tiếc là ở ta lâu nay vẫn chỉ trải thảm đỏ bằng lời nói. Hệ thống trả lương vẫn cào bằng mà không trả theo hiệu quả công việc. Lương bổng như nhau, không có cơ chế khuyến khích, đãi ngộ, nên không lôi kéo được người tài về nước.

Hoặc thảm đỏ cũng có, nhưng có chăng chỉ một vài con đường ngắn. Chệch ra khỏi con đường đó là hết thảm đỏ. Tóm lại theo tôi, nhân tài trong nước phải được trọng dụng thì mới lôi kéo được nhân tài ngoài nước.

Ông có tiếp xúc với nhiều người đã trở về?

Rất nhiều người giỏi, có tài năng đã trở về phục vụ đất nước. Nhưng cô cứ thử gặp họ xem họ nói gì? Những khó khăn nọ kia thì bản thân họ cũng đã xác định từ trước khi trở về rồi. Tôi thấy đa phần họ đều không thất vọng, mà chỉ tiếc. Bản thân tôi cũng thấy tiếc.

Vì nếu họ được đãi ngộ xứng đáng, họ đã có thể đóng góp được nhiều hơn, dành nhiều thời gian, tâm sức hơn vào lĩnh vực của họ. Thay vì phải lo cơm áo gạo tiền, lo nuôi sống gia đình, thì họ sẽ có thời gian dành cho nghiên cứu. Gánh nặng cuộc sống khiến họ không phát huy được tài năng.

Nhưng kinh tế của chúng ta còn khó khăn, các nhân tài cũng phải chia sẻ?

Nếu nói thế thì đừng nghĩ đến chuyện mời gọi nữa. Kinh tế của chúng ta không phải là nước nghèo. Chúng ta hoàn toàn có khả năng tập trung nhân lực, vật lực cho những người xứng đáng.

Nếu thực sự muốn đầu tư cho khoa học, muốn thu hút người tài thì phải có chính sách, tăng cường đầu tư, cơ chế ưu đãi đặc biệt.

Có khi nào chỉ bằng kêu gọi lòng yêu nước để thôi thúc người tài trở về?

Đã là người Việt Nam thì ai cũng yêu nước cả. Mỗi người yêu nước theo cách của mình. Việc họ có trở về hay không, không thể hiện việc họ có yêu nước hay không.

Họ vẫn phải nuôi gia đình, phải sống, dù họ có tình yêu lớn như thế nào. Yêu nước, thi thoảng họ về, giúp được gì họ sẽ làm hết mình. Nhưng như thế lại không bền vững. Mà để họ về hẳn, lại phải có cơ chế.

Chỉ đi lên được bằng khoa học

Phát triển kinh tế, người ta nhìn thấy ngay cái lợi trước mắt. Nhưng đầu tư cho khoa học thì nhiều khi cũng “mông lung”, khó đánh giá hiệu quả?

Khoa học là nền tảng cho nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Bài học từ Trung Quốc, Hàn Quốc, muốn phát triển, phải tạo ra được cái gì đó của riêng mình. Muốn thế thì phải có nền tảng khoa học cơ bản. Muốn phát triển, phải có những phát minh, sáng chế, sản phẩm của riêng mình.

Còn nếu làm theo, bắt chước hay gia công thì không bao giờ phát triển được. Singapore là một quốc gia không có tài nguyên gì, nhưng họ xác định được các mũi nhọn và tập trung đầu tư để trở thành cường quốc.

Ông có hy vọng gì vào sự đầu tư đột phá về KHCN ở Việt Nam?

Nói thật là tôi ít hy vọng nếu các chính sách vẫn như hiện nay mà không có sự đột phá nào. Cái cơ chế mà dù anh có đưa ra một dự án rất hay, rất tốt, rất hiệu quả nhưng người ta không “sơ múi” được gì thì còn lâu người ta mới quan tâm.

Tôi nhớ hồi có chủ trương thành lập Viện Nghiên cứu Cấp cao về Toán, rất nhiều ý kiến phản đối cho rằng sẽ tốn tiền. Phải có sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khi đó là Phó Thủ tướng thì mới xong được.

Chuyện 100 nhà khoa học trẻ về nước lần này, theo ông sẽ có tác động gì vào sự phát triển khoa học nước nhà?

Như đã nói, tôi kỳ vọng rất ít. Chỉ khi nào chúng ta thực sự có cơ chế đồng bộ thì mới thu hút được họ về nước. Việc tổ chức các sự kiện như thế này chúng ta cũng đã làm nhiều, nhưng cũng chưa thực sự thu hút được người ta trở về nước.

Bởi nói khác với làm. Khi nào người tài trong nước chưa được đãi ngộ thì người tài ở ngoài nước chưa nghĩ đến việc trở về, chưa có mong muốn được trở về.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam diễn ra từ ngày 18 đến 24/8 tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM và Côn Đảo. Chương trình quy tụ 100 nhà khoa học trẻ là người Việt Nam, được đào tạo tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới, hiện đang làm việc tại các nước có nền khoa học, công nghệ phát triển, có nhiều công trình, cống hiến được ghi nhận. Những nhà khoa học tham gia chương trình này đã gặp mặt các lãnh đạo cấp cao, tham gia đối thoại với lãnh đạo các địa phương, các khu công nghệ cao, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP