Thời sự

Cứu sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng có khả thi?

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - Hà Nội đang lấy ý kiến các chuyên gia về đề án bơm nước sông Hồng vào hồ Tây sau đó xả vào sông Tô Lịch để làm sạch “dòng sông chết” này. Các chuyên gia cho rằng, đây là ý tưởng có tính khả thi nhưng cần tính toán cẩn thận.

Xây trạm bơm, kênh dẫn nước

UBND TP Hà Nội vừa xin ý kiến các nhà khoa học hoàn thiện Dự án Xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay, đề án nêu trên do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty và Viện Kỹ thuật Tài nguyên nước (Đại học Thủy Lợi) là đơn vị tư vấn.

Cụ thể, thành phố dự tính đặt trạm bơm cố định nằm cách chân cầu Nhật Tân khoảng 600m, về phía hạ lưu. Hệ thống đường ống xả sau máy bơm gồm 4 ống đường kính 600mm, kết nối vào đường ống chung có đường kính 1.200mm, dẫn đến bể xử lý nước cạnh công viên nước hồ Tây. Tổng chiều dài đường ống dẫn nước khoảng 1.960m, chạy dọc theo ngõ 464 Âu Cơ - Lạc Long Quân vào ngõ 612 Lạc Long Quân đến mương tiêu cạnh hồ Tây, vào bể lắng xử lý phù sa sông Hồng.

Trong đề án, TP Hà Nội cũng cho biết, sẽ xây dựng một con đập cao su (có đường kính 1,5m, cao 2,5m) ở cuối nguồn sông Tô Lịch, cách thượng lưu 11,7km để khống chế cao độ mực nước trên sông, đảm bảo mục tiêu khai thác giao thông thủy và giải quyết úng ngập trong mùa mưa bão. UBND TP Hà Nội cho rằng, dự án trên mang tính bền vững và sẽ khắc phục được một số hạn chế mà các vấn đề về quy hoạch cũng như các dự án khác đang triển khai nhưng chưa giải quyết được tình trạng ô nhiễm ở hồ Tây và sông Tô Lịch. Với phương án này, mỗi ngày TP Hà Nội dự kiến bơm hơn 134.000m3 nước vào hồ Tây (bơm 26 ngày/tháng). Khái toán kinh phí cho dự án khoảng 150 tỷ đồng.

Cùng với việc tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch, TP Hà Nội cũng đang xây dựng hệ thống tuyến đường ống tách nước thải ra khỏi con sông này. Cụ thể, từ năm 2016, TP Hà Nội đã khởi công dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000m3/ngày đêm.

Cần tính đến bồi lở, mực nước

Chia sẻ với KH&ĐS, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam rất ủng hộ việc dẫn nước sông Hồng vào làm sạch sông Tô Lịch và bổ cập cho hồ Tây. Bởi vấn đề mấu chốt hiện nay là để làm sạch sông Tô Lịch thì phải có nguồn nước sạch bổ trợ. Đây là giải pháp đã được các nhà khoa học đề xuất, bàn luận từ những năm 80 của thế kỷ trước. Theo thời gian, sông Hồng cũng đã thay đổi nhiều, nguồn nước của sông Hồng cũng đã giảm mạnh do vấn đề khai thác thủy điện ở thượng nguồn. Để dẫn nước từ sông Hồng, bắt buộc phải xây dựng các trạm bơm. Tuy nhiên, các trạm bơm này cũng cần được tính toán rất cẩn thận bởi sông Hồng là sông cổ, nay bồi chỗ này, mai bồi chỗ khác, không theo quy luật nào cả.

Tình trạng hút cát tràn lan không được quy hoạch trên sông Hồng cũng khiến các quy luật thủy lợi của sông bị phá vỡ, làm dòng sông đang ngày càng biến đổi mạnh mẽ. Thậm chí vào mùa khô, mực nước xuống rất thấp. Nếu xây dựng các trạm bơm cố định, thì sẽ xử lý thế nào nếu vị trí xây trạm bơm đó bị sông Hồng bồi lấp? Trong khi kinh phí xây dựng trạm bơm là hàng chục tỷ đồng? Còn nếu chỉ làm các trạm bơm dã chiến, di động, thì lại không thể bổ cập đủ nguồn nước cho sông Tô Lịch và Hồ Tây.

Cũng theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, với công nghệ hiện nay, máy bơm có thể cao vài chục mét và có thể bơm liên tục được, nhưng vấn đề là nguồn nước có ổn định hay không. Để có nguồn nước ổn định trên các sông cổ như sông Hồng, người ta phải xây dựng các công trình tự nắn dòng. Nhưng cho đến nay, các chuyên gia về thủy lợi ở Việt Nam cũng chưa bao giờ thực hiện các công trình tương tự thế này.

GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện Kỹ thuật nước và Bảo vệ môi trường cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới rất trân trọng những dòng sông chảy qua thành phố. Thậm chí, có những nước đã có những bước đi sai lầm về cống hoá các dòng chảy, đơn cử như Hàn Quốc. Sau đó, nước này phải lấy lại các dòng chảy. Bởi lẽ, họ nhận thấy, lợi ích mà các dòng chảy mang lại trong đô thị là rất lớn. Hà Nội cũng cần những lợi ích tương tự. Nếu các dòng chảy trong Hà Nội không tạo nên lợi thế về giao thông đường thuỷ thì cũng có vai trò cân bằng môi trường. Giải pháp lâu dài để các dòng sông hồi sinh chính là thu gom nước thải đưa về xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải. Sau đó, lắp đặt trạm bơm với công suất lớn để đưa nước sông Hồng vào Hồ Tây. 

Lưu ý hệ vi sinh vật ở hồ Tây

Ngoài sông Tô Lịch, việc bổ cập nước, thay đổi hệ sinh thái ở hồ Tây cũng là vấn đề được các chuyên gia lưu ý. Hiện tại, hồ Tây đang ô nhiễm trong khi không có nước lưu thông, vì vậy cần phải cải tạo nguồn nước để phát triển hệ thuỷ sinh trong lòng hồ. GS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam lưu ý, việc thay nước hồ Tây cũng phải đảm bảo thủy sinh vật trong hồ. Quy trình thay nước cần phải làm từ từ để các nhà khoa học có điều kiện theo dõi biến động của thủy sinh vật trong hồ. Nếu làm mất thủy sinh vật đặc trưng của hồ Tây thì nó chẳng khác gì cái bể chứa nước, không có giá trị về cảnh quan, sinh học.

Theo GS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy lợi, trong những năm gần đây, lượng phù sa ở sông Hồng ngày càng suy giảm. Điều này gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại thuận lợi cho việc bổ cập nước vào hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch do quy trình xử lý bùn khi lấy nước vào hồ Tây và sông Tô Lịch đỡ phức tạp, tốn kém. Tuy nhiên, nước sông Hồng ngày càng sút giảm so với trước đây nên phải tính toán kỹ nguồn nước và thời điểm lấy nước trong năm. 

Theo các chuyên gia, để sông Tô Lịch luôn luôn chảy và lấy nước tự nhiên thì phải tính đến thủy văn, thủy lực, tức là phải tính toán cao độ và độ dốc của đáy sông, mặt cắt của lòng sông, vận tốc và lưu lượng để có sự điều tiết phù hợp bởi nguyên tắc của con sông là phải luôn luôn chảy.

Chặn ở hạ nguồn, Tô Lịch sẽ ô nhiễm nặng hơn

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, trong đề án của Hà Nội có nói đến việc điều chỉnh mực nước sông Tô Lịch bằng cách làm đập cao su ở hạ nguồn cần phải tính toán lại bởi làm đập như vậy, kim loại nặng sẽ tích tụ lại thành những chất độc, người dân sống ở vùng hạ nguồn sẽ phải hứng chịu ô nhiễm. Nên việc để cho nước sông được lưu thông, nối ra sông Nhuệ và sông Đáy mới có thể đảm bảo được sông Tô Lịch sẽ được “hồi sinh”.

Tô Hội

BẢN DESKTOP