Thời sự

Cứu sống người đàn ông nguy kịch do vỡ phình động mạch chủ ngực

  • Tác giả : Thúy Nga
Nhờ kỹ thuật can thiệp đặt stent graft, các bác sĩ bệnh viện nhân dân Gia Định đã cứu sống thành công người bệnh nguy kịch do vỡ phình động mạch chủ ngực. Đây là bệnh thường gặp hiện nay người dân cần chú ý.

Bệnh nhân nam N.H.C (56 tuổi) nhập viện trong tình trạng nguy kịch có nguy cơ tử vong cao do vỡ phình động mạch chủ ngực trên nền bị lao phổi tiến triển.

Trước đó, anh C thấy bị đau lưng khi đang chạy xe máy, cơn đau lan ra trước ngực và đau hơn khi hít sâu. Người bệnh liền nhập viện tại một cơ sở y tế gần nhà và được chẩn đoán lao phổi đang tiến triển, phình động mạch chủ ngực đoạn xuống.

Đêm ngày 29/09/2023, bệnh nhân nhập viện tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định với tình trạng đau lưng trái, lan nhói trước ngực. Qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá anh C. đang trong tình trạng hết sức nguy hiểm do khối phình tại động mạch chủ ngực có khả năng đã vỡ, thêm vào tình trạng hai phổi của anh rất xấu do bị lao phổi và có nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào.

Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực mạch máu – bướu cổ, khoa Nội hô hấp, X- quang can thiệp hội chẩn khẩn trương để tìm giải pháp điều trị phù hợp.

TS.BS Tiêu Chí Đức, Phó Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu cho biết: “Tình trạng của người bệnh lúc này là hết sức nguy hiểm vì kết quả CT cho thấy hình ảnh 2 khối phình động mạch chủ ngực xuống: khối phình thứ 1 kích thước 63x75mm, khối phình thứ 2 kích thước 70x68mm, khối phình thứ nhất đã vỡ.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị lúc này cũng rất nan giải vì phổi người bệnh đang rất xấu do lao tiến triển, vì vậy phẫu thuật cần gây mê gần như khó có thể thành công. Sau khi hội chẩn, tham khảo ý kiến các chuyên gia một cách toàn diện, chúng tôi quyết định phương án điều trị phù hợp là can thiệp qua đường ống thông Stent Graft”.

Cứu sống người đàn ông nguy kịch do vỡ phình động mạch chủ ngực ảnh 1 Cứu sống người đàn ông nguy kịch do vỡ phình động mạch chủ ngực ảnh 2

Hình ảnh CTA trước và sau khi can thiệp

Với kỹ thuật can thiệp đặt stent graft, bác sĩ sẽ tiến hành thông qua động mạch đùi ở bẹn lên tới vị trí khối phình và đặt cố định trong lòng động mạch. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn làm giảm tỷ lệ tử vong và các biến chứng thấp hơn so với phẫu thuật mở. Bệnh nhân bị vỡ túi phình động mạch chủ xuống nhưng nhờ có các cấu trúc xung quanh như cột sống, phổi khu trú giữ lại một cách mong manh, nhờ đó mà người bệnh còn giữ được tính mạng.

Quá trình phẫu thuật, chỉ cần một tác động nhẹ như huyết áp tăng lên hay dằn sốc người bệnh là có thể gây toác khối máu tụ, tính mạng sẽ bị đe dọa, hơn nữa phổi của người bệnh lại đang bị tổn thương. Đó là những thách thức đòi hỏi ê kíp phải có kinh nghiệm với kỹ thuật thành thạo, nắm chắc quy trình giải phẫu để can thiệp thành công.

“Chúng tôi đã phải “nín thở” từ khi tiếp nhận người bệnh cho đến khi bung được ống ghép nối ngang qua 2 đầu mạch máu, cách ly được khối phình vỡ thì lúc này mới chính thức “thở phào” vì biết là đã có thể giữ được sinh mạng cho người bệnh…” TS.BS Tiêu Chí Đức chia sẻ thêm.

TS.BS. Tiêu Chí Đức thăm khám cho người bệnh trước khi xuất việnTS.BS. Tiêu Chí Đức thăm khám cho người bệnh trước khi xuất viện

Người bệnh sau đó được chuyển về khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu tiếp tục theo dõi điều trị. Quá trình hậu phẫu cũng được theo dõi sát sao để đề phòng biến chứng có thể xảy ra. Kết quả chụp CT kiểm tra lại cho thấy động chủ ngực tại vị trí vỡ trước đó đã được hồi phục ổn định. Anh C. đã xuất viện sau 5 ngày và chuyển về địa phương tiếp tục uống thuốc điều trị lao.

Phình động mạch chủ là bệnh lý thường gặp hiện nay, bệnh thường xảy ra ở những người lớn tuổi có các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thói quen hút thuốc lá … Khi khối phình diễn tiến vỡ ra, khả năng gây tử vong cho người bệnh là rất cao. Người bệnh có những yếu tố nguy cơ nên đến cơ sở y tế khám tầm soát phát hiện sớm để được điều trị.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP