Thời sự

Cứu sống người đàn ông bị vỡ tá tràng do tai nạn lao động

  • Tác giả : Thúy Nga
Đau bụng dữ dội, có vết tím vùng thượng vị, không có vết thương hở nhưng bệnh nhân phải mổ cấp cứu vì vỡ tá tràng. Người dân cần chú ý khi bị tai nạn.

Mới đây, Bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết kíp mổ khoa Ngoại Tổng hợp đã phối hợp với kíp gây mê hồi sức đã phẫu thuật thành công cứu sống một bệnh nhân bị chấn thương tá tràng nặng.

Cách đây khoảng 2 tuần, khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tiếp nhận bệnh nhân Hà V.H (67 tuổi, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) nhập viện trong trong tình trạng đau bụng dữ dội, có vết tím vùng thượng vị, không có vết thương hở.

Khai thác tiền sử bệnh, bệnh nhân cho biết trước đó trong quá trình lao động, bệnh nhân bị cây gỗ đường kính khoảng 20cm đâm mạnh vào bụng, không nhìn thấy vết thương hở ở bụng nhưng rất đau đớn nên đã được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tuyến huyện để thăm khám và được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để điều trị.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng được các y bác sĩ kíp trực khoa Cấp cứu thăm khám và cho thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết ngay. Nhận thấy dấu hiệu nguy hiểm, kíp trực khoa Cấp cứu đã mời các bác sỹ trực khối ngoại và gây mê hồi sức khẩn trương hội chẩn gấp.

Bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương bụng kín, vỡ tá tràng. Bệnh nhân được chống Shock, hồi sức tích cực và chuyển mổ cấp cứu tối khẩn cấp.

Không có vết thương hở nhưng bệnh nhân bị gỗ đâm vỡ D2 tá tràng

Không có vết thương hở nhưng bệnh nhân bị gỗ đâm vỡ D2 tá tràng

BSCKI. Phạm Thanh Thịnh, Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Vỡ tá tràng là một trong trường hợp chấn thương bụng kín rất nặng và ít gặp (với tỷ lệ 3-5%), nguy cơ tử vong và biến chứng sau mổ cao. Kíp mổ và kíp gây mê đã tập trung nỗ lực hết sức để cứu lấy người bệnh.

Trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ kiểm tra ổ bụng có dịch máu đỏ và máu đông, máu tụ sau tá tràng thành khối lan xuống dưới, ra sau vùng hố thận phải đại tràng phải và đầu tụy, bên trong có nhiều máu đông.

Các bác sĩ đã tiến hành rửa hút sạch dịch ổ bụng. Kiểm tra tá tràng mặt sau ngoài D2 có lỗ thủng kích thước (1x2) cm bờ nham nhở chảy máu, lóc toàn bộ thanh mạc diện rộng xung quanh có nhiều máu cục, xét không thể khâu hồi phục được nên kíp phẫu thuật đã đưa nối tá hỗng tràng kiểu Ruox - En - Y vào vị trí vỡ D2, đặt dẫn lưu qua miệng nối tá hỗng tràng, tiến hành khâu phục hồi thanh mạc tá tràng, đại tràng phải, manh tràng. Mở thông hỗng tràng, đặt dẫn lưu ổ bụng.

Hiện tại, sau mổ 2 tuần, điều trị hậu phẫu, truyền máu, truyền huyết tương, với sự tận tâm điều trị và chăm sóc tích cực hiện sức khỏe của bệnh nhân đã dần ổn định, ăn uống được, vết mổ khô, đại tiểu tiện bình thường … Bệnh nhân đã được xuất viện và hẹn tái khám sau 3 tuần.

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị tai nạn, người nhà người bệnh hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị. Tránh trường hợp bị các tổn thương tạng kín mà không được chẩn đoán đúng bệnh và được điều trị kịp thời gây nguy hiểm đến tính mạng.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP