Tìm phương án an toàn cho ca bệnh phức tạp trên người cao tuổi
Cụ bà N.T.N (92 tuổi, Hà Nội) nhập viện Bệnh viện Bạch Mai ngày 2/7/2024 với thể trạng yếu ớt, suy kiệt nặng, bụng đau chướng, khó ăn uống, mệt mỏi, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tắc ruột, đi ngoài ra máu, rối loạn điện giải.
Sau thăm khám, cụ bà được các bác sĩ chẩn đoán: U đại trực tràng trái, lồng đại tràng sigma - trực tràng, gây tắc ruột cần phải được phẫu thuật sớm nếu không nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Bên cạnh đó, cụ bà cũng có tiền sử bệnh rất phức tạp: 35 năm trước đã mổ mở cắt u đại tràng, có bệnh hẹp và suy mạch vành, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu.
Với một bệnh nhân siêu cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền, suy dinh dưỡng, cân nặng chỉ có 35 kg thì việc quyết định phẫu thuật là cả một vấn đề “hóc búa”, một thử thách lớn đối với cả ekip của Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa, Trung tâm Gây mê hồi sức, đòi hỏi phải đưa ra phương án tối ưu nhất để có được kết quả an toàn cho người bệnh nhân.
TS.BS Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tiêu hóa thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh BVCC |
Để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật được an toàn nhất, bệnh nhân đã được chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, phục hồi chức năng, hỗ trợ hô hấp, tim mạch. Qua các cuộc hội chẩn liên khoa, TS.BS Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa và ekip đã cân nhắc và quyết định chọn phương án phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân.
Đồng thời ekip gây mê hồi sức cũng tính toán, cân nhắc đưa ra phương án về gây mê, truyền dịch một cách hợp lý hiệu quả nhất. TS.BS Hùng cũng chính là người đã trực tiếp cùng ekip thực hiện ca mổ đặc biệt này.
Tối ưu trong phẫu thuật và gây mê – hồi sức
Ngày 10/7/2024, bệnh nhân 92 tuổi được phẫu thuật nội soi cắt u đại trực tràng và làm hậu môn nhân tạo. Tại đơn vị Hồi sức ngoại - Trung tâm Gây mê hồi sức, sau 2 ngày mổ, đã ghi nhận bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các chỉ số ổn định, đã rút được ống thở. Sau 6 ngày, bệnh nhân đã ăn uống sinh hoạt gần như bình thường và tập vận động trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Trao đổi nhanh với chúng tôi tại bệnh phòng khi đi thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật, TS.BS Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai đã bộc lộ rõ niềm vui khi tình trạng của cụ bà đang tiến triển rất tốt. Bác sĩ Hùng cho biết: Chúng tôi rất băn khoăn về phương án phẫu thuật mổ mở hay phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân.
Tuy nhiên sau khi tìm hiểu y văn, chúng tôi thấy rằng phẫu thuật cho người già ở tuổi cao sức yếu, suy nhược cơ thể, thêm bệnh nền nữa thì chứa đựng rất nhiều yếu tố nguy hiểm đến tính mạng. Mặc dù có rất nhiều khó khăn về bệnh cảnh và tình trạng thực tế của người bệnh, chúng tôi đã quyết định phẫu thuật nội soi.
Ekip phẫu thuật và gây mê hồi sức rất dày dạn kinh nghiệm, đã từng cứu chữa thành công nhiều trường hợp phức tạp, đã cắt đoạn khối u trực tràng và các hạch xung quanh khối u theo đúng nguyên tắc phẫu thuật triệt căn và tái tạo hậu môn giả.
Ca phẫu thuật kéo dài 2h với sự phối hợp rất nhịp nhàng, chặt chẽ với ekip của Trung tâm Gây mê - Hồi sức. Mổ nội soi cho người cao tuổi thì ekip gây mê cũng gặp nhiều thử thách, phải chọn được thuốc gây mê, thuốc giãn cơ phù hợp với thể trạng người bệnh, phối hợp chặt chẽ với ekip phẫu thuật.
“Kíp phẫu thuật vừa phải chạy đua với thời gian vì người bệnh trên 90 tuổi không được phép kéo dài thời giờ và vừa thực hiện những thao tác kỹ thuật khó, người bệnh có khối u trực tràng đã lồng ruột, tắc ruột gây phù nề, ruột đã căng dãn, đã có vết mổ mở rất dài ở giữa bụng trước đó, tuy nhiên chúng tôi đã có phương án kỹ thuật phù hợp để bằng mọi giá cứu được bệnh nhân. Và thật vui khi đã có kết quả tốt ở trường hợp hy hữu này”, Bác sĩ Hùng cho biết.
Để tìm hiểu thêm về những nguyên nhân dẫn đến thành công của ca phẫu thuật nội soi trên bệnh nhân 92 tuổi, chúng tôi đã gặp bác sĩ Nguyễn Bá Tư, đơn vị Hồi sức tích cực - Trung tâm Gây mê Hồi sức, người trực tiếp theo dõi, điều trị bệnh nhân sau mổ.
Bác sĩ Tư cho biết: “Trước hết đối với người cao tuổi, việc gây mê nguy hiểm hơn rất nhiều so với người trưởng thành vì mọi hệ cơ quan và chức năng của cơ thể đã già hóa và suy yếu. Với trường hợp bệnh nhân 92 tuổi mang bệnh phức tạp có nhiều nguy cơ rủi ro trong quá trình phẫu thuật và sau phẫu thuật vì thể trạng suy kiệt, có bệnh nền tim mạch, rối loạn điện giải, huyết động.
Khi gây mê, ekip đã triển khai nhiều thiết bị tiên tiến theo dõi sinh tồn, kiểm soát huyết động chặt chẽ thường xuyên, lựa chọn thuốc gây mê phù hợp để tránh những cơn đau, hạn chế nguy cơ rung nhĩ, biến chứng tim mạch, hệ hô hấp và các chức năng cơ thể.
Sau khi cuộc phẫu thuật nội soi của ekip Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa thành công, chúng tôi đã tiến hành điều trị sau mổ một cách tối ưu nhất từ dinh dưỡng, điều chỉnh rối loạn điện giải, huyết động và kết hợp phục hồi vận động, tái thông hệ tiêu hóa, theo dõi hệ hô hấp, tim mạch...”
Sau mổ 6 ngày, cụ bà đã ăn uống sinh hoạt gần như bình thường và tập vận động trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Ca phẫu thuật nội soi trên bệnh nhân 92 tuổi đã thành công tốt đẹp với sự phối hợp đa chuyên khoa một cách tối ưu. Đây cũng là thế mạnh của Bệnh viện Bạch Mai, nơi đã hồi sinh sự sống cho nhiều ca bệnh phức tạp, nguy cấp.
Tận tình cứu chữa cho người cao tuổi – nét nhân văn sâu sắc
Khi được hỏi về lý do tại sao mà ekip phẫu thuật, gây mê - hồi sức lại có quyết tâm cao độ để cùng phối hợp chặt chẽ tìm lời giải cho một bài toán y học khó trên bệnh nhân 92 tuổi, tiềm tàng nhiều nguy cơ và rủi ro, lãnh đạo hai Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa và Gây mê - Hồi sức đã cho biết: Ở nước ta hiện nay tuổi thọ trung bình đã cao hơn so với trước đây, người cao tuổi cũng cần được chăm sóc bảo vệ sức khỏe như tất cả các lứa tuổi khác trong xã hội.
Hơn nữa người cao tuổi cũng như các bậc ông bà,cha mẹ trong các gia đình, chúng ta có nghĩa vụ và tình cảm với những đối tượng đặc biệt này. Bằng mọi giá, khi gặp các bệnh nhân cao tuổi, các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai đều mang hết tâm sức, trình độ chuyên môn để hết lòng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc, mang đến thời gian kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng sống vô cùng quý giá cho người cao tuổi.
Chứng kiến tại bệnh phòng, cụ bà 92 tuổi đã dần hồi sinh sự sống, tỉnh táo và minh mẫn trò chuyện với bác sĩ và nghị lực tập luyện vận động sau mổ, chúng tôi thực sự cảm động trước những hình ảnh rất đời được vun xới ngày ngày qua bàn tay và trí tuệ của người thầy thuốc.