Thời sự

Cứu sống bệnh nhân 73 tuổi bị choáng ngất, ngừng tuần hoàn

  • Tác giả : Thúy Nga
Thỉnh thoảng xuất hiện triệu chứng choáng ngất, người đàn ông 73 tuổi đã ngừng tuần hoàn ngoài viện đã được các bác sĩ hồi sinh từ cõi chết trở về.

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa cùng trình độ chuyên môn cao của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, ông N.P.T. (73 tuổi) trú tại An Dương, Hải Phòng thành công trở về từ cửa tử.

Dấu hiệu bệnh đã được báo trước

Lần đầu từ khoảng 2 năm trước, ông T. xuất hiện triệu chứng choáng và ngất, không co giật, có cảm giác hồi hộp trống ngực trước cơn, chủ yếu là các cơn ngắn vài phút sau đó tỉnh hoàn toàn, không có di chứng sau cơn. Lần này, khoảng 11h30 ngày 17/3/2024, khi đang ngồi ăn cơm, ông T. xuất hiện tình trạng choáng ngất tương tự, cơn kéo dài khoảng hơn 10 phút không tự tỉnh.

Ông được người nhà gọi xe cấp cứu đưa vào viện. Trong quá trình di chuyển trên xe, người bệnh xuất hiện ngừng tuần hoàn và được ép tim, bóp bóng ngay trên xe. Người bệnh được đưa đến Khoa Cấp Cứu 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở An Đồng.

Những giây phút “nghẹt thở” cứu sống người bệnh khỏi lưỡi hái tử thần

Những giây phút “nghẹt thở” cứu sống người bệnh khỏi lưỡi hái tử thần

Tại khoa Cấp cứu, người bệnh mê, glasgow 3 điểm, tím tái toàn thân. Đồng tử 2 bên 3mm, PXAS (-), Huyết áp, mạch không đo được, Gmm: 15 mmol/l. Người bệnh được cấp cứu ngừng tuần hoàn, đặt nội khí quản, thở máy, duy trì Dobutamin và Adrenalin. Sau xử trí 10 phút, người bệnh mê, thở oxy theo bóng bóp. Lúc này, người bệnh đã có mạch và huyết áp, tiếp tục chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực.

Tại đây, người bệnh được thở máy, duy trì vận mạch, đến 14h05 ngày 17/3/2024, người bệnh tiếp tục xuất hiện rung thất cơn lớn sau đó vô tâm thu ngừng tim lần 2. Huyết áp không đo được, mạch bẹn không bắt được. Người bệnh tiếp tục được cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Giữa những tiếng máy “tít tít” liên hồi, tiếng lách cách của dụng cụ y tế và bước chân của y, bác sĩ, thời gian như dừng lại, lúc này sự sống và cái chết chỉ cách nhau tích tắc, tất cả trông chờ vào trí tuệ, tay nghề của bác sỹ. Bằng tâm huyết, trách nhiệm, “lương y như từ mẫu”, họ phải vật lộn với tử thần giành giật lại sự sống cho người bệnh.

Người bệnh được cấy máy ICD hồi phục

Người bệnh được cấy máy ICD hồi phục

​Các y bác sĩ tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn và xử trí sốc điện ngoài lồng ngực 270J khoảng 7 lần. Sau khi hồi sức tích cực hơn 20 phút, người bệnh có nhịp, HA trở lại và được lọc máu cấp cứu liên tục hai lần.

Các bác sĩ, điều dưỡng luôn theo dõi, ghi chép, điều chỉnh phác đồ, túc trực 24 giờ/ngày và tiến hành hội chẩn liên tục để tìm phương án điều chỉnh tối ưu nhất cho người bệnh. Sau 6 ngày hồi sức tích cực, người bệnh được rút ống nội khí quản, ổn định và được chuyển khoa Tim mạch điều trị tiếp.

Hồi sinh trái tim loạn nhịp bằng máy khử rung ICD

Tại Khoa Tim mạch, người bệnh được chụp mạch vành không có hẹp tắc đáng kể mạch vành. Hội chẩn toàn khoa chẩn đoán: Sau ngừng tuần hoàn/ Hội chứng Brugada – Hội chứng động mạch vành mạn tính – Tăng huyết áp – Đái tháo đường typ 2 - Suy thận mạn – Viêm phổi. Nhằm ngăn chặn nguy cơ đột tử, các bác sĩ quyết định cấy máy khử rung tự động ICD (Implantable Cardioverter Defibrillator) cho người bệnh.

Điện tim người bệnh có hình ảnh Brugada typ 1

Điện tim người bệnh có hình ảnh Brugada typ 1

Cấy máy ICD là một loại kĩ thuật cao khá an toàn được các bác sĩ Khoa Tim mạch triển khai từ 15 năm nay. Các bác sĩ sẽ đưa dây dẫn cách điện vào tĩnh mạch dưới đòn vào buồng tim nhờ vào những hình ảnh trên phim DSA. Một đầu dây sẽ gắn vào cơ tim và đầu còn lại sẽ được gắn vào máy khử rung tim được cấy dưới xương đòn. Sau khi thực hiện cấy máy, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi tại viện một vài ngày là có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Bằng sự tận tâm, trách nhiệm và kinh nghiệm xử trí nhiều ca bệnh của các y bác sĩ, sau 7 ngày cấy máy, người bệnh đã được cắt chỉ, toàn trạng ổn định, được cho xuất viện. Trải qua cơn thập tử nhất sinh, ông T. đã chiến thắng lưỡi hái tử thần một cách ngoạn mục, mang lại hy vọng sống mới.

Đánh giá về ca bệnh lần này, ThS.BS Hoàng Phương Nam- người điều trị trực tiếp cho người bệnh chia sẻ: “Đây là một người bệnh rất nặng được cứu sống một cách kỳ tích với sự cố gắng và quyết tâm và phối hợp hiệu quả của đội ngũ nhân viên y bác sĩ từ cấp cứu ban đầu tới hồi sức và khoa Tim mạch kèm theo sự tin tưởng và quyết tâm của người nhà và người bệnh vào trình độ chuyên môn của nhân viên y tế Bệnh viện.”

Thúy Nga

BẢN DESKTOP