Y học và đời sống

Cứu chữa bệnh nhân mang nhiều bệnh mạn tính

Vào viện trong tình trạng sức khoẻ suy kiệt, đau khắp người, choáng váng, đi tiểu buốt và sốt cao nhiều ngày không đỡ, bà Nguyễn Thị Luận (70 tuổi, Hà Nội) đã được các bác sĩ Khoa Nội tiết, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an cứu chữa để thoát khỏi cơn nguy kịch.

Tiểu đường, huyết áp, suy thận, viêm đường tiết niệu…

Bà Nguyễn Thị Luận cho hay, bà vốn đã bị tiểu đường nhiều năm nay, kèm theo đó lại bị suy thận nặng… Vì thế, thời gian gần đây sức khoẻ của bà rất suy giảm và hay đau người.

Tuy nhiên, tuần trước bà bỗng nhiên bị sốt cao, đi tiểu đau buốt, nước tiểu có màu vàng. Dù đã uống thuốc giảm sốt và viêm đường tiết niệu nhưng vẫn không khỏi. Khi vào viện bà được các bác sĩ cho làm các xét nghiệm và tiên lượng nặng với nhiều bệnh lý phối hợp.

Cụ thể, bệnh nhân bị đái tháo đường lâu năm, bị suy thận độ 3 với ure 20mmol/l, creatinin máu tăng trên 350µmol/l, huyết áp luôn dao động từ 170 – 180mgh, sốt 5 ngày với 38,5 – 39ºC, người rét run (nhưng không phải bị sốt xuất huyết) và bị viêm đường tiết niệu nặng…

Đặc biệt, bệnh nhân thiếu máu trầm trọng. Ba ngày đầu vào viện bà phải thở oxy, sau đó sử dụng các loại thuốc nên sức khoẻ dần hồi phục, hiện nay các chỉ số đã trở lại ổn định.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/cuu-chua-benh-nhan-mang-nhieu-benh-man-tinh-11.jpg

BSCK II Mai Thị Hậu khám cho bệnh nhân Nguyễn Thị Luận.

“Hiện nay, bệnh nhân Nguyễn Thị Luận đã qua được cơn nguy kịch và sức khoẻ ổn định. Chúng tôi đã điều trị cho bệnh nhân bằng tiêm insulin, sử dụng thuốc huyết áp cũng như thuốc viêm đường tiết niệu, truyền bù dịch…

Hiện huyết áp bình thường là 120/70mmHg, đường máu 6,6mmol/L, hết sốt. Trong quá trình điều trị chúng tôi cũng cho bệnh nhân sử dụng thuốc hỗ trợ tăng hồng cầu để khắc phục tình trạng thiếu máu. Đối với bệnh nhân bị sốt cao trên nền suy thận thì việc bù dịch rất khó khăn. Do khi suy thận thì bù dịch muối sẽ làm tăng nguy cơ gây phù.

Do đó, khi sốt chúng tôi vẫn dùng dịch nhưng dùng kèm thuốc huyết áp có khả năng đào thải (lợi tiểu) nhẹ, đồng thời dùng kháng sinh để điều trị”, BSCK II Mai Thị Hậu, Trưởng khoa Nội tiết cho hay.

3 biến chứng dễ gặp nhất của đái tháo đường 

Cũng theo BSCK II Mai Thị Hậu, khi bị tiểu đường thì 3 biến chứng dễ gặp nhất là viêm phổi, viêm đường tiết niệu và suy thận. Bởi lúc này sức đề kháng giảm, cơ thể dễ nhiễm khuẩn, dẫn đến các cơ quan này bị xâm nhập.

Để kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường cũng như nguy cơ biến chứng, điều quan trọng nhất của bệnh nhân là kiểm soát chỉ số đường huyết, chế độ ăn, đi khám định kỳ hằng tháng để biết mức độ đường bao nhiêu, lượng nước tiểu thế nào và có viêm nhiễm gì không.

Đồng thời, nếu có biểu hiện gì bất thường cần khám ngay để chống các biến chứng. Các biểu hiện dễ gặp như đái buốt, đái dắt, đái nóng hay hơi gai gai, sốt sốt. Đường máu có thể kiểm tra ở nhà bằng mao mạch, nhưng khi cao cần đến bệnh viện để được sử dụng thuốc nhằm điều chỉnh liền.

Đặc biệt, trường hợp huyết áp cao cần điều chỉnh bằng thuốc huyết áp thường xuyên, vì huyết áp cũng là 1 nguyên nhân gây suy thận. Nếu bị tiểu đường, huyết áp cao thì nguy cơ suy thận càng nặng.

Đối với khâu vệ sinh vùng kín, cần được làm sạch thường xuyên đúng cách, giữ vùng này khô ráo.

Hà Linh

BẢN DESKTOP