Dữ liệu y khoa

Cứu bệnh nhi 18 giờ tuổi teo ruột, viêm phúc mạc ổ bụng

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Tắc ruột sơ sinh tiên lượng rất nặng, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời trẻ rất dễ tử vong. Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa phẫu thuật thành công cứu sống trẻ sơ sinh 18 giờ tuổi bị tắc ruột do teo ruột bẩm sinh.

Nhiều bệnh lý nguy kịch

Mang thai ở tuần thứ 32 chị Trần Thị Tuyết M. (mẹ bệnh nhi, 32 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ) được chẩn đoán thai nhi có tắc ruột nghi do teo ruột bẩm sinh. Sau 6 tuần được theo dõi và quản lý thai nghén chặt chẽ tại Trung tâm, sản phụ có đa ối và được chỉ định phẫu thuật lấy thai vào tuần thai thứ 38. Bé trai chào đời với cân nặng 3 kg, có nôn trớ, bụng trướng to và được chuyển đến chăm sóc, theo dõi tại Khoa Sơ sinh.

Tại đây, sau khi tiến hành các xét nghiệm và hội chẩn các bác sĩ kết luận bệnh nhi có tắc ruột bẩm sinh nghi do teo ruột. Ngoài ra, bệnh nhi cũng được thực hiện tầm soát các bệnh lý về sọ não, tim mạch, tiết niệu và các dị tật về chi. Sau khi có kết quả chẩn đoán, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật vào lúc 18 giờ tuổi.

Chăm sóc cho bệnh nhi sau phẫu thuật

Chăm sóc cho bệnh nhi sau phẫu thuật

ThS.BS Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại nhi Tổng hợp, người thực hiện mổ chính cho bệnh nhi chia sẻ: Đây là ca phẫu thuật phức tạp vì là bệnh lý tắc ruột sơ sinh. Ngoài teo ruột, trẻ còn gặp thêm hội chứng viêm phúc mạc thời kỳ bào thai, các quai ruột giãn to và dính thành một khối nên các bác sĩ phải thực hiện gỡ dính.

Bên cạnh đó, đoạn ruột bị teo nằm ở vị trí rất cao, cách dạ dày chỉ khoảng 60cm nên gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện phẫu thuật và tạo hình miệng nối. Quai ruột phía trên đoạn ruột tắc giãn to, quai ruột phía dưới chỉ nhỏ như đầu đũa, chặt phân su. Các bác sĩ phải thực hiện bơm rửa hết kết thể phân su này, cắt bỏ đoạn ruột bị teo, sau đó thực hiện nối đoạn ruột trên với đoạn ruột dưới để đảm bảo lưu thông ruột từ dạ dày xuống hậu môn.

BSCKI. Nguyễn Đức Hậu, Phó khoa Sơ sinh cho biết, sau phẫu thuật bệnh nhi có khá nhiều vấn đề về hô hấp, tuần hoàn, kích thích đau, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt ở trẻ nhỏ,… Ngoài ra, việc chăm sóc trẻ cũng được đặc biệt quan tâm để tránh tình trạng nhiễm trùng vết mổ. Bệnh nhi được chỉ định nằm lồng ấp, điều trị nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn kết hợp sử dụng các loại kháng sinh. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhi đã hồi phục khá tốt và được cho ăn sữa qua sonde. Bệnh nhi đã có thể tự đi ngoài, tình trạng nhiễm trùng không còn, vết mổ khô ráo, sạch sẽ.

Phát hiện teo ruột từ bào thai

ThS.BS Bùi Mạnh Tùng – Phó khoa Khám và Điều trị ngoại trú khuyến cáo, teo ruột là nguyên nhân  gây tắc ruột bẩm sinh ở trẻ sơ sinh với tỉ lệ tử vong rất cao nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Vì vậy, trong quá trình mang thai, thai phụ nên thực hiện đầy đủ các mốc siêu âm quan trọng và các xét nghiệm sàng lọc để phát hện sớm các bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi nếu có. Hai dấu hiệu gợi ý của tắc ruột qua siêu âm bào thai là: Sự giãn nở bất thường của các quai ruột của bào thai và sự giãn nở của khoang ối (dấu hiệu đa ối).

Bé khỏe mạnh và được xuất viện trong niềm vui của mẹ và gia đình

Bé khỏe mạnh và được xuất viện trong niềm vui của mẹ và gia đình

Vì vậy, những trường hợp trẻ đẻ non và mẹ có tiền sử đa ối cấp trong những tháng đầu của thai kỳ cần chú ý. Dấu hiệu đa ối rất thường gặp ở những trường hợp bệnh nhi tắc đường tiêu hóa ở cao (thực quản, môn vị, tá tràng, hỗng tràng). Từ đó có kế hoạch theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ và kịp thời xử trí các bất thường có thể gặp phải, đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.

Tắc ruột sơ sinh là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất ở lứa tuổi sơ sinh. Tiên lượng bệnh rất nặng, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi trẻ lọt lòng, người lớn cần lưu ý, thông thường trẻ sẽ thải phân su sau 6 - 8 tiếng (thường là chất dẻo nhão đen). Nếu trong thời gian này không có hiện tượng trên xảy ra, cần báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để theo dõi chặt chẽ. Biểu hiện lâm sàng là: Không bài tiết phân su; Nôn nhiều (nôn ra dịch màu vàng, hoặc xanh, có khi nôn ra cả dịch ruột (dịch như màu phân); Bụng trướng; Có trẻ không thấy lỗ hậu môn hoặc lỗ hậu môn bị bịt kín...

Thúy Nga

BẢN DESKTOP