Thời sự

Cứu bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, thận ứ mủ do sỏi tiết niệu

  • Tác giả : ThS.BS Đỗ Văn Tùng
Bị đau bụng nhiều, mệt mỏi, nôn, đi tiểu ít, người bệnh đến bệnh viện và được chẩn đoán sỏi tiết niệu biến chứng gây ứ mủ 2 thận khiến bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng...Vì vậy, cần phải cảnh giác khi có sỏi tiết niệu.

Khoa Nội Thận – Tiết niệu và lọc máu và khoa Hồi sức tích cực – chống độc, bệnh viện Trung ương Thái nguyên vừa phối hợp điều trị thành công cho người bệnh Đ.T.D thuộc diện hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số nói tiếng Kinh không sõi (ở Quảng Hòa, Cao Bằng) có tình trạng suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, ứ mủ 2 thận do sỏi tiết niệu.

Khai thác tình trạng bệnh trước khi nhập viện, người bệnh xuất hiện đau bụng nhiều, mệt mỏi, nôn, đi tiểu ít đã vào bệnh viện tỉnh Cao Bằng được chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn, ứ mủ 2 thận do sỏi đường tiết niệu và được điều trị 2 ngày nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm. Người bệnh vẫn đau bụng, buồn nôn, nôn khan và vô niệu.

Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên, người bệnh được các bác sĩ, nhân viên y tế khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (HSTC-CĐ) tiến hành cấp cứu và làm các xét nghiệm, cận lâm sàng hiện đại nhất tại bệnh viện để chẩn đoán. Ngoài tình trạng có sốc nhiễm khuẩn người bệnh còn bị suy đa phủ tạng do sỏi thận gây ứ mủ 2 thận.

Ngay lập tức người bệnh được chỉ định lọc máu liên tục, dùng kháng sinh liều cao phối hợp. Sau 2 ngày điều trị tại khoa HSTC-CĐ người bệnh được chuyển đến khoa Nội thận - Tiết niệu và Lọc máu điều trị tiếp.

Khó khăn trong quá trình điều trị là người bệnh không nói sõi tiếng Kinh và thuộc diện hộ nghèo nên lựa chọn phương pháp điều trị và theo dõi diễn biến bệnh cho phù hợp là rất cần thiết.

Tại đây, người bệnh tiếp tục được lọc máu ngắt quãng, dùng kháng sinh liều cao phối hợp, bù máu, bù dinh dưỡng. Sau 1 tuần được điều trị tích cực, người bệnh tiến triển tốt, không còn tình trạng sốc và không phải lọc máu. Sau 13 ngày, người bệnh Đ.T.D sức khoẻ ổn định và được xuất viện trở về nhà.

Công Đoàn bệnh viện Tặng quà cho bệnh nhân ngày ra viện

Công Đoàn bệnh viện Tặng quà cho bệnh nhân ngày ra viện

Các bác sĩ cho biết: Bệnh lý sỏi đường tiết niệu gây nhiễm khuẩn thường gặp ở các chuyên khoa về tiết niệu nhưng để biến chứng dẫn đến sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng là bệnh lý nặng khó điều trị, tỷ lệ điều trị thành công không cao.

Do đó các bác sĩ khuyến cáo những trường hợp người bệnh bị sỏi đường tiết niệu cần đến các cơ sở y tế chuyên sâu để sớm được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời tránh để tình trạng bệnh diễn biến nặng dẫn đến sốc nhiễm khuẩn phải lọc máu, dùng kháng sinh liều cao, điều trị dài ngày gây tổn hại sức khoẻ và tăng chi phí điều trị.

ThS.BS Đỗ Văn Tùng (Phó trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu và Lọc máu)

ThS.BS Đỗ Văn Tùng

BẢN DESKTOP