Y học và đời sống

Cứu bệnh nhân nhiễm trùng nhiễm độc bởi ảnh hưởng vết mổ 3 năm trước

  • Tác giả : Thúy Nga
Tắc ruột khá phổ biến, có thể gặp phải ở bất kỳ độ tuổi nào. Tắc ruột do vết mổ cũ là một trong những bệnh lý cần được cấp cứu khẩn trước 12 giờ để giảm thiểu rủi ro và biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh.

Ngày 23/12, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết, Trung tâm vừa phẫu thuật cấp cứu thành công, gỡ dính tắc ruột cho một bệnh nhân nam 49 tuổi do ảnh hưởng bởi vết mổ 3 năm trước.

Theo đó, bệnh nhân L.V.Ơ, (49 tuổi, trú tại Than Uyên, Tỉnh Lai Châu) đang làm việc thì được đồng nghiệp đưa vào Trung tâm trong tình trạng đau từng cơn vùng quanh rốn, đau âm ỉ đôi lúc trội thành cơn, đau không lan, chưa đại tiện, trung tiện được, bệnh nhân sốt nhẹ 37.7ºC, không nôn.

Thăm khám cho người bệnh - Ảnh BVCC

Thăm khám cho người bệnh - Ảnh BVCC

Qua thăm khám bác sĩ thấy bụng chướng nhẹ, sẹo mổ cũ liền tốt, quai ruột nổi (-), rắn bò (-) và thực hiện đầy đủ cận lâm sàng kết quả siêu âm: quai ruột chứa nhiều dịch, dịch Douglas: Chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh dịch xen kẽ trong các quai ruột, Douglas có dịch ~23mm. BS CKI. Hoàng Dũng, Trưởng khoa Ngoại chẩn đoán: Tắc ruột do dính vết mổ cũ.

Nhận thấy tình trạng người bệnh vô cùng nguy kịch, các bác sĩ khoa Ngoại, Trung tâm y tế thị xã Quảng Yên khẩn trương hội chẩn Lãnh đạo, bác sĩ Phẫu thuật - Gây mê hồi sức để chẩn đoán, tiên lượng và đưa ra phác đồ điều trị. Bệnh nhân Ơ đã được chỉ định phẫu thuật cấp cứu ngay sau đó.

BSCKI. Hoàng Dũng cùng BS. Nguyễn Đức Hoàn trực tiếp phẫu thuật, rạch da đường trắng giữa theo sẹo mổ cũ, vào ổ bụng, thấy ổ bụng có dịch vàng trong, các quai ruột dãn chứa nhiều dịch hơi - cách góc Triezt ~ 50cm, có đoạn hỗng tràng ~ 10cm dính chặt vào thành trước bụng, thanh cơ nhiều sạn vàng kích thước không đều, chít hẹp lòng.

Hai bác sĩ tiến hành gỡ dính ruột non tỉ mỉ, cắt đoạn ruột, rồi nối ruột tái lập lưu thông, tập trung cấp cứu cho bệnh nhân Ơ xuyên suốt gần 2 tiếng đồng hồ.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân Ơ đã hết đau bụng, thể trạng phục hồi rất tốt, ăn uống được và dự kiến xuất viện vào vài ngày tới.

Ca phẫu thuật gỡ dính tắc ruột cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật gỡ dính tắc ruột cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Theo BSCKI. Hoàng Dũng, hội chứng tắc ruột khá phổ biến và có thể gặp phải ở bất kỳ độ tuổi nào. Tắc ruột do vết mổ cũ là một trong những bệnh lý cần được cấp cứu khẩn để giảm thiểu rủi ro cho người bệnh, đặc biệt là rất nhanh bị rối loạn về điện giải.

Vì vậy, người bệnh cần phải can thiệp kịp thời với độ chính xác cao, kỹ thuật y tế chuyên nghiệp từ phía ê kíp phẫu thuật để tháo gỡ ruột dính cẩn thận, hạn chế được nhiễm trùng và biến chứng.

“Nếu được chẩn đoán và can thiệp trong vòng 12 giờ đầu tiên thì tiên lượng tốt, còn trường hợp chậm xử lý thì khả năng phục hồi của ruột sau điều trị càng ít. Người bệnh sẽ bị sốc nặng do mất nước, do rối loạn điện giải, do hấp thụ độc tố qua thành ruột bị hoại tử gây nhiễm trùng huyết, dẫn tới tỷ lệ tử vong cao.” – BSCKI Hoàng Dũng nhấn mạnh.

“Tắc ruột do dính ở bệnh nhân có vết mổ cũ vùng bụng là một bệnh lý có thể giải quyết cấp cứu nhưng về lâu dài thì nó là vòng xoắn bệnh lý.

Vì mỗi lần mổ là mỗi lần tạo thêm vết mổ cũ và nguy cơ tắc ruột do dính sẽ cao hơn và khó khăn hơn.

Vì vậy, khi thấy bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ là bệnh tắc ruột (đau bụng, nôn liên tục, đại tiện khó, bụng chướng căng) người bệnh có thể đến cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời." - BSCKI Hoàng Dũng khuyến cáo

Thúy Nga

BẢN DESKTOP