Thời sự

Cứu bệnh nhân 52 tuổi bị uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

  • Tác giả : Thúy Nga
Người dân không nên chủ quan với bệnh uốn ván, khi gặp các vết thương cần phải chủ động tiêm ngừa. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những diễn biến nguy hiểm.

Ngừng tim, ngừng thở vì uốn ván

Ngày 26/3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết, vừa điều trị thành công, cứu sống bệnh nhân bị uốn ván nặng kèm theo thuyên tắc phổi.

Đó là trường hợp của bệnh nhân Mạch Văn Mẫn, 52 tuổi, cư ngụ tại Phường Khánh Hòa, Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; nhập viện vào ngày 29/2/2024 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng.

Qua tìm hiểu, trước đó bệnh nhân bị vết xước ngoài da do tai nạn giao thông, sau đó 02 tuần thì bị mỏi hàm, cứng hàm mới đến Bệnh viện để khám và điều trị. Sau khi nhập viện, bệnh diễn biến xấu hơn, co giật, ngưng tim, ngưng thở.

Ngay lập tức, Khoa Nhiễm mời Khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc nội đặt nội khí quản, mời Khoa Tai Mũi Họng mở khí quản cấp cứu; tiếp tục dùng thuốc giãn cơ, an thần, thở máy và kiểm soát được tình hình nguy hiểm.

Bệnh nhân đã bỏ được thở máy, thoát khỏi nguy hiểm - Ảnh BVCC

Bệnh nhân đã bỏ được thở máy, thoát khỏi nguy hiểm - Ảnh BVCC

Đến ngày 12/3/2024, thở máy ngày thứ 12, thở máy với áp lực và nồng độ Oxy cao, tim nhanh nên đã mời khám tim mạch và đề nghị chụp CT Scan ngực; kết quả cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch phổi 02 bên.

Khoa Nhiễm đã tiến hành mời hội chẩn toàn viện để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân; sau khi hội chẩn, Bệnh viện đã quyết định dùng thuốc ly giải huyết khối (tiêu sợi huyết) truyền cho bệnh nhân và tiếp tục theo dõi.

Bệnh tiếp tục diễn biến xấu nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Bệnh viện. Đến ngày 21/3/2024, bệnh nhân ngưng thở máy. Hiện tại, Bệnh nhân tự thở, sinh hiệu ổn, tự ăn, tập vận động và dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới.

BSCKII. Đặng Minh Hiền, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Trong rất nhiều trường hợp điều trị uốn ván tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng thì đây là trường hợp nặng nhất từ trước đến nay. Nhờ vào chẩn đoán sớm các trường hợp và điều trị tích cực cùng với sự phối hợp tốt giữa các khoa chuyên môn nên đã kịp thời cứu sống bệnh nhân. Đây là một kết quả mang đến nhiều niềm vui và khích lệ tinh thần của toàn thể nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng.”

Theo BSCKI. Tăng Vũ – Trưởng Khoa Nhiễm, đơn vị trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: “Người dân không nên chủ quan với bệnh uốn ván, khi gặp các vết thương cần phải chủ động tiêm ngừa phòng bệnh. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những diễn biến nguy hiểm”.

Bệnh nguy hiểm tỷ lệ tử vong cao

TS.BS Hà Thị Bích Vân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, uốn ván là bệnh lý cấp tính nặng, vi khuẩn uốn ván tồn tại dưới hai dạng: dạng nha bào tồn tại ngoài môi trường và dạng hoạt động tồn tại trong cơ thể thông qua vết thương. Uốn ván là bệnh nguy hiểm do thời gian điều trị kéo dài (có thể vài tuần đến vài tháng), chi phí điều trị tốn kém và tỉ lệ tử vong cao.

Tiêm huyết thanh phòng uốn ván (SAT) là biện pháp đơn giản và hiệu quả, giúp ngăn ngừa bệnh uốn ván khi có vết thương ngoài da. Tuy nhiên, rất tiếc là có nhiều trường hợp giống như người bệnh trên, thường chủ quan không đến cơ sở y tế kiểm tra và tiêm phòng dẫn tới bệnh phát triển gây biến chứng nguy hiểm.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cảnh báo, uốn ván là bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương dưới dạng nha bào.

Các vết thương có thể nhỏ như gai đâm, đinh đâm, xước da, dập móng, ngoáy tai, xỉa răng, bấm lỗ tai…hoặc các vết thương to, rộng nhiều ngóc ngách gặp trong lao động, tai nạn giao thông, gãy xương hở, bỏng sâu…thậm chí có thể gặp khi nạo thai, sau mổ đường tiêu hoá, cắt trĩ, cắt rốn với dụng cụ bị nhiễm bẩn…

Bệnh uốn ván có thể gặp trên toàn cầu, ở mọi lứa tuổi, có thể quanh năm, đặc biệt ở những quốc gia phát triển nông nghiệp, điều kiện vệ sinh kém.

Bệnh uốn ván không có miễn dịch tự nhiên nên tất cả những người chưa được tiêm vắc xin phòng uốn ván đều có thể bị bệnh.

Bệnh uốn ván nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể tiến triển nhanh sang tình trạng co cứng, co giật toàn thân, suy hô hấp, ngưng thở. Điều trị các ca uốn ván nặng cũng đòi hòi quá trình chăm sóc tích cực, thở máy kéo dài, nhiều biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, cách thức phòng ngừa uốn ván tốt nhất vẫn là tiêm vắc xin dự phòng và xử lý đúng cách đối với các vết thương có nguy cơ nhiễm vi trùng uốn ván.

Các bác sĩ khuyến cáo: Những người có nguy cơ cao như những người nông dân, người làm công việc dọn vệ sinh, công nhân xây dựng… làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất cát, bụi bẩn, phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc sinh nở, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì nên được tiêm phòng uốn ván đủ liều. Khi bị vết thương ngoài da, đặc biệt là những vết thương bị nhiễm bẩn, dính đất cát, bụi bẩn thì cần đến cơ sở y tế để được xử lý đúng cách và được tiêm phòng uốn ván càng sớm càng tốt.

Cách tiêm phòng uốn ván

Trẻ em dưới 7 tuổi thường được tiêm vắc xin phối hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT). Trẻ trên 7 tuổi có chống chỉ định tiêm vắc xin ho gà nên chỉ tiêm vắc xin phối hợp bạch hầu – uốn ván (DT) và tiêm phòng cho người lớn kể cả phụ nữ có thai.

Trẻ dưới 1 tuổi tiêm 3 liều vắc xin DPT vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi.

Với phụ nữ có thai: Tiêm phòng 2 liều cách nhau tối thiểu 1 tháng. Liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh 1 tháng. Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại 1 liều trước khi sinh 1 tháng.

Với người lớn nói chung: Tiêm phòng tối thiểu 3 liều với khoảng cách liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.

Để duy trì khả năng miễn dịch bảo vệ trước bệnh uốn ván, cần tiêm nhắc lại 10 năm 1 lần.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP