Khoa học & Công nghệ

Cuối tháng 11, thiên tai diễn biến phức tạp

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, trong nửa cuối tháng 11/2019, sẽ có nhiều loại hình thiên có khả năng đồng thời xuất hiện gây thời tiết xấu trên cả đất liền và Biển Đông.

Không khí lạnh kèm gió giật mạnh

Trong 10 ngày tới, sẽ có 02 đợt không khí lạnh mạnh ảnh hưởng đến nước ta. Đợt 01 bắt đầu từ ngày 13/11 và kéo dài đến hết ngày 15/11. Trong đợt này, ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa, trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16-19 độ, vùng núi Bắc Bộ 13-16 độ, vùng núi cao dưới 10 độ. Đợt 02 bắt đầu từ ngày 18/11 và kéo dài đến khoảng ngày 21-22/11. Các đợt không khí lạnh này mặc dù chỉ gây ra các đợt rét ngắn ngày cho Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung Bộ nhưng sẽ gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 cho toàn bộ khu vực Bắc và giữa Biển Đông, vùng biển Vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Bộ.

Điều đáng lưu ý là khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới. Khoảng ngày 17-18/11, trên khu vực Bắc Biển Đông có khả năng xuất hiện một vùng áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Cùng thời điểm này, có đợt không khí lạnh rất mạnh (đợt ngày 18/01) ảnh hưởng nên vùng áp thấp/ATNĐ có xu hướng dịch chuyển nhanh về phía Tây Tây Nam. Diễn biến về cường độ và đường đi của cơn này rất phức tạp vì có sự tương tác với không khí lạnh mạnh. 

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, giai đoạn này có khả năng cao xuất hiện một đợt mưa lớn ở Trung Bộ. Từ khoảng ngày 20-21/11, không khí lạnh liên tục được bổ sung ở tầng thấp, trên cao xuất hiện đới gió đông mạnh, đồng thời vùng áp thấp/ATNĐ có khả năng kết hợp và tác động đồng thời với các điều kiện trên nên ở các tỉnh Trung Bộ sẽ xảy ra một đợt mưa lớn, trọng tâm mưa rất to tập trung ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên.

Về cơn bão  số 6 vừa qua, với sự chuẩn bị tổng lực chống bão của các địa phương thông qua bản tin dự báo nhưng cơn bão lại suy yếu khi vào gần bờ và chuyển thành áp thấp nhiệt đới, khiến dư luận không khỏi hoài nghi  là có việc “nghiêm trọng hóa” bản tin dự báo để tránh sai số. TS Hoàng Phúc Lâm – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, vấn đề sai số trong dự báo bão thì dự báo cường độ bão có sai số khoảng 1-2 cấp trong 24 giờ, còn xa hơn thì sai số lớn hơn, có thể 2-3 cấp. Sai số vị trí dự báo hiện của Việt Nam tương đương với Hồng Kông.

Sai số dự báo gia tăng do quy  luật bị phá vỡ

TS Hoàng Phúc Lâm cho biết, đối với dự báo bão, khi bão đang ở giữa đại dương thì các phân tích và dự báo của các quốc gia là khá tương đồng vì việc xác định vị trí, cường độ bão đều dựa vào vệ tinh và việc dự báo đa số đều dựa vào mô hình số. Các số liệu đo trực tiếp khi bão trên biển là không có. Bão vào gần nước nào thì dự báo của nước đó độ chính xác cao nhất vì có thêm các quan trắc riêng như radar, quan trắc trực tiếp tại các trạm đo. Trong số các cơn bão của cả mùa bão thì các cơn bão đầu mùa hay cuối mùa thì thường sẽ khó dự báo hơn vì khi đó quỹ đạo và cường độ bão bị chi phối bởi nhiều yếu tố, các cơn đổi hướng di chuyển hoặc thay đổi cường độ đột ngột sẽ gây ra sai số lớn hơn.

Bão số 6 ngay từ đầu đã được nhận định là cơn bão phức tạp, chịu tương tác của nhiều yếu tố, trong đó có không khí lạnh và 3 cơn bão khác trên dải hội tụ nhiệt đới cùng hoạt động trong một thời điểm. Các dự báo của Tổng cục khí tượng thủy văn khá sát với diễn biến của bão số 6, cụ thể về quỹ đạo bão số 6 có giai đoạn hướng về phía Philippine, rồi quay lại, đạt cường độ mạnh nhất trên khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa và suy yếu trước khi đổ bộ. Bão số 6 đã đạt tới cấp bão rất mạnh (cấp 12) và là cơn bão mạnh nhất trong năm 2019 tính đến thời điểm hiện tại và đã gây ra gió mạnh và sóng rất lớn trên các vùng biển nước ta.

Việc sai số trong dự báo bị chi phối bởi nhiều yếu tố, chủ yếu là tính bất ổn định của các hiện tượng tự nhiên, công nghệ dự báo, năng lực dự báo và tác động của biến đổi khí hậu đến tính trái quy luật của các cơn bão. Nhận diện được nguyên nhân gây sai số như trên, Cơ quan dự báo KTTV đang nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ quan trắc, dự báo và đào tạo cán bộ.

Theo TS Hoàng Phúc Lâm, hiện nay sai số trong dự báo bão được nhận định đang có chiều hướng gia tăng vì một số cơn bão không đi theo quy luật phổ biến mà dị thường nên rất khó dự báo. Điều này do biến đổi khí hậu gây nên – mà nguyên nhân chính là do con người gây nên. Đó là sự phát triển nóng của nền kinh tế đã gây tác động xấu đến thiên nhiên; nguy cơ mất an toàn hồ chứa thủy điện, thủy lợi; phá rừng,… Bởi thế, nếu chúng ta không cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống thì công tác dự báo, đặc biệt là dự báo bão sẽ còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

Bảo Khánh

Hà Bình

BẢN DESKTOP