KINH TẾ

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 có gì giống và khác hiện tại?

  • Tác giả : Thiên Ân
So với cú sốc dầu mỏ năm 1973, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có sức nặng và ảnh hưởng kéo theo nhiều hệ lụy, các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất, cản trở tăng trưởng kinh tế…

Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc “khủng hoảng” dầu mỏ hiện tại đang có những nét giống với cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.

Năm 1973, Mỹ nhập khẩu 6,2 triệu thùng/ngày, Trung Đông chiếm tới 66% nguồn cung dầu.

Các nước Arab sản xuất dầu đã cố gắng sử dụng dầu làm đòn bẩy để tác động lên các sự kiện chính trị.

Ngày 6/10/1973, Ai Cập tấn công phòng tuyến Bar Lev ở Bán đảo Sinai và Syria tiến hành một cuộc tấn công ở Cao nguyên Golan. Cả hai đều đã bị Israel chiếm đóng trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967.

Ngày 12/10/1973, Tổng thống Mỹ Nixon cho phép triển khai Chiến dịch Nickel Grass, một cuộc không vận chiến lược để chuyển vũ khí và vật tư cho Israel. Chiến dịch này nhằm bổ sung những tổn thất về vật chất, sau khi Liên Xô bắt đầu gửi vũ khí tới Syria và Ai Cập.

Ngày 17/10, các nhà sản xuất dầu Arab cắt giảm sản lượng 5% và thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ đối với các đồng minh của Israel - Mỹ, Hà Lan, Rhodesia, Nam Phi, Canada, Nhật Bản, Anh và Bồ Đào Nha.

Đến tháng 12, sản lượng đã bị cắt giảm xuống còn 25% so với mức của tháng 9. Lệnh cấm vận đã gây ra một cuộc khủng hoảng dầu mỏ,. Nó đã tác động đến chính trị và kinh tế toàn cầu, cho đến ngày nay vẫn được coi là lớn nhất trong lịch sử.

Khi lệnh cấm vận kết thúc vào tháng 3/1974, giá dầu đã tăng gần 4 lần trên toàn cầu, gây gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và một số đồng minh châu Âu.

Từ tháng 5/1973 đến tháng 6/1974, giá bán lẻ trung bình của một gallon xăng tại Mỹ thông thường tăng 43%. Sự gián đoạn sản xuất, phân phối và giá cả là nguyên nhân dẫn đến suy thoái, lạm phát và tăng trưởng kinh tế thấp hơn.

Cú sốc giá dầu năm 1973 và các năm 1973–74 đã khiến cho thị trường chứng khoán “sụp đổ” và ảnh hưởng dai dẳng đến nền kinh tế Mỹ.

Đồng thời, lúc này, Anh, Đức, Italy, Thụy Sĩ và Na Uy cấm bay, lái xe và chạy thuyền vào Chủ nhật. Thụy Điển cắt giảm xăng và dầu cho việc sưởi ấm. Hà Lan áp dụng án tù cho những người sử dụng nhiều hơn khẩu phần điện của họ.

Sáu quốc gia EEC khác phải đối mặt với việc cắt giảm một phần và Vương quốc Anh vẫn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ quốc tế và tạo ra rạn nứt trong NATO.

Một số quốc gia châu Âu và Nhật Bản đã tìm cách tách mình khỏi chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông nhằm để tránh trở thành mục tiêu của cuộc tẩy chay.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, chính quyền Mỹ đã bắt đầu các cuộc đàm phán đa phương, sắp xếp để Israel rút khỏi Bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan.

Điều này mới đủ thuyết phục các nhà sản xuất dầu Arab dỡ bỏ lệnh cấm vận vào tháng 3/1974.

Cuộc khủng hoảng này đang có phần tương tự giống cuộc khủng hoảng dầu mỏ hiện tại, khi chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra và một loạt cách lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Đồng thời Nga trả đũa bằng một loạt các biện pháp với phương Tây.

Thiên Ân

BẢN DESKTOP